Chuẩn bị gì để không bị đào thải trong tương lai?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo cơ hội cho đất nước ta phát triển nhưng cũng đem lại nhiều thách thức lớn lao đối với nguồn nhân lực lao động Việt Nam. Để đương đầu với thách thức này, ngay từ bây giờ các em học sinh cần chuẩn bị cho mình một hành trang để bước vào “cuộc chiến” mà ở đó robot sẽ là một đối thủ nặng ký.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Mai Lâm đang tư vấn kỹ năng học đường cho học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp)

Lời khuyên trên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn kỹ năng học đường “Kỹ năng hội nhập toàn cầu và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH FPT tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp) vừa qua. Những chia sẻ của chuyên gia giúp cho các học sinh THPT, đặc biệt là những em cuối cấp có được sự chuẩn bị chu toàn nhất để tự tin bước ra thế giới.

Cách đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Theo ThS. Nguyễn Mai Lâm (chuyên gia tâm lý), trong thời đại thế giới phẳng và công nghệ số như hiện nay, con người ngồi một chỗ cũng có thể giao tiếp xuyên quốc gia, đa quốc gia. Bên cạnh đó, môi trường làm việc thì rộng lớn hơn, nó không chỉ gói gọn trong nước mà còn mở rộng đến các nước trên thế giới. Do đó, người lao động phải gặp một áp lực lớn chính là không ngừng cạnh tranh để khẳng định được vị trí của mình.

ThS. Lâm cho biết: “Có 3 hạt nhân chính của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là kỹ thuật số (công nghệ thông tin), vật lý và sinh học; trong đó kỹ thuật bao gồm trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối internet, dữ liệu lớn. “Để không trở thành người thua cuộc, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, học sinh phải chuẩn bị cho mình những “vũ khí” lợi hại nhất để có thể hạ gục đối thủ bất cứ lúc nào”, ThS. Lâm nhắn nhủ.

Đặc biệt, ThS. Lâm bật mí bí kíp để tạo ra “vũ khí” lợi hại: Thứ nhất, bản thân phải làm chủ được công nghệ thông tin. Bởi đây là sự sống còn, là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta muốn chinh phục nó thì phải không ngừng tự học hỏi, tìm tòi để khi gặp vấn đề, tự ta có thể giải quyết. Thứ hai, ngoại ngữ giao tiếp. Theo ThS. Lâm, giao tiếp ở đây không phải là nói hay, nói lưu loát mà là sự lắng nghe, phản biện và thấu hiểu cho nhau. Và cuối cùng là học tập suốt đời. “Kiến thức chưa bao giờ là đủ đối với bất kỳ ai. Thế giới luôn thay đổi mỗi ngày. Nếu chúng ta không theo dõi, không tự rèn giũa, bồi dưỡng, nâng cao kinh nghiệm cho bản thân, chắc chắn sẽ bị thụt lùi, thậm chí bị đẩy ra bên lề xã hội. Nhưng ngược lại, các em sẽ là người luôn được săn đón. Bởi chỉ có con người mới tạo ra trí tuệ nhân tạo chứ trí tuệ nhân tạo không thể tạo ra con người”, ThS. Lâm khẳng định.

Rèn luyện kỹ năng thiết yếu

Với vai trò là một chuyên gia tư vấn cũng là nhà tuyển dụng, bà Nguyễn Hoàng Bích Vy (Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH FPT) thông tin: Điều mà doanh nghiệp đòi hỏi ở nhân viên của mình không phải là ngoại hình, tuổi tác, kinh nghiệm hay bằng cấp mà ở niềm đam mê và nhiệt huyết của người đó. Khi có niềm đam mê với nghề cháy bỏng, nhiệt huyết sôi trào thì chắc chắn các em sẽ tận tâm tận lực để thực hiện được mục tiêu mà mình đề ra. Đồng thời, nếu có thất bại, chắc chắn các em sẽ không bỏ cuộc mà quyết đi theo nó tới cùng. Bên cạnh đó, kỹ năng mềm sẽ giúp các em được nhà tuyển dụng ưu ái, tin cậy. Đó là khả năng thuyết trình, phản biện, thuyết phục người khác. Ngoài ra, biết dẫn dắt, xử lý các sự cố không mong muốn xảy ra trong công việc một cách êm đẹp nhất có thể cũng là điểm cộng cho các em.

Trước những chia sẻ, tư vấn của các chuyên gia, em Cấn Thiên Phúc (lớp 12A16) lo ngại: “Em đã xác định được ngành học của mình đó là công nghệ thông tin và tiếng Anh là điều kiện cần để giúp mình thành công. Tuy nhiên, hiện tại em học không giỏi môn này mặc dù toán, lý, hóa trên 8.0. Vậy tương lai của em sẽ như thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, bà Bích Vy trấn an: Học tiếng Anh là cả một quá trình chứ không phải một ngày, một tháng. Dù bây giờ em học không giỏi, không có kiến thức ở môn này nhưng em có thể bắt đầu lại từ đầu khi bước vào ĐH. Chẳng hạn ở Trường ĐH FPT, khi thí sinh trúng tuyển vào trường sẽ được học 5 Level tiếng Anh để lấy lại căn bản. Học đến khi nào đạt được trình độ theo quy định mới cho các em học chuyên ngành. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tự học thêm tiếng Anh bằng cách tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động ở trường để trau dồi thêm. Với sự quyết tâm và cố gắng, tôi tin chắc em sẽ thành công.

Tại chương trình, em Lê Thanh Nam (lớp 12A7) cũng bày tỏ băn khoăn: “Làm thế nào để chúng em xác định được ngành nghề phù hợp với bản thân trong khi là một học sinh giỏi”. Nhằm giúp Nam tháo gỡ khó khăn, bà Bích Vy gợi ý: Đầu tiên em hãy ngồi lại và vẽ ra 3 vòng tròn. Vòng tròn thứ nhất liệt kê ra những thứ mà mình thích. Vòng tròn thứ hai cho những thế mạnh của mình vào đó. Vòng tròn thứ 3 là nhu cầu của xã hội. Sau khi thực hiện xong thao tác này chúng ta đi tìm điểm giao của 3 vòng tròn để có quyết định đúng đắn. Ngoài ra em có thể hỏi thầy cô, cha mẹ để họ gợi ý cho mình. Vì đây là những người từng trải, có kinh nghiệm và gắn bó với mình nhiều nhất nên lời khuyên của họ sẽ đáng tin cậy.

Kiều Khánh

https://www.giaoduc.edu.vn