VIỆT NAM RẤT CẦN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG NÔNG THÔN - MIỀN NÚI

Trên thực tế, Việt Nam đang có nhu cầu về CTXH trong phát triển nông thôn - miền núi để giải quyết các vấn đề trong xã hội nông thôn - miền núi, bởi đổi tượng CTXH khu vực này rất lớn, chiếm 2/3 dân số cả nước.

NHẬN ĐỊNH CỦA CÁC CHUYÊN GIA ĐẦU NGÀNH

Hội thảo “Công tác xã hội trong phát triển nông thôn - miền núi ở Việt Nam” đã diễn ra trong 2 ngày 17 - 18/7/2018 do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với ĐH Lâm nghiệp tổ chức.

Theo TS.Nguyễn Văn Hồi, hiện nay, công tác xã hội tại các trung tâm CTXH cấp huyện, tỉnh và đội ngũ CTV ở các xã, phường, thôn bản... chưa thực sự phát huy được hiệu quả, do nguồn nhân lực vừa yếu về trình độ, vừa thiếu về số lượng, cũng như chưa huy động được nguồn lực hiện có của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức.

TS.Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại hội thảo

 

“Chúng ta chưa có đội ngũ CTXH chuyên nghiệp, chưa có hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH giải quyết các vấn đề nông thôn hiện nay như thói quen sinh hoạt, người nghiện, nước sạch, vệ sinh môi trường, rác thải nông thôn... Các chương trình, đề án chưa quan tâm đúng mức đến CTXH, vấn đề cộng đồng” - TS.Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm về CTXH trong phát triển nông thôn - miền núi, bà Nguyễn Ngọc Lan, nguyên điều phối chương trình Quản lý đất đai khu vực sông Mekong cho biết: CTXH hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau với sự khác biệt về lứa tuổi, dân tộc, trình độ văn hóa, mức sống, tôn giáo... Tại Việt Nam, các hoạt động về CTXH đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, đặc biệt ở khu vực thành thị. Tuy nhiên, các nhóm đối tượng yếu thế, người nghèo ở nông thôn, miền núi lại chưa có chính sách về CTXH nào cụ thể, mà chủ yếu lồng ghép vào các chương trình khác.

Bà Bùi Thị Kim - Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em cũng đưa ra một số gợi ý cho các nhà làm CTXH, đặc biệt trong thúc đẩy cộng đồng nông thôn - miền núi, đó là chuyển từ hoạt động từ thiện sang hoạt động phát triển; bỏ định kiến người nông thôn, miền núi là người trình độ thấp, không đủ năng lực tự giải quyết vấn đề; không áp đặt khuôn mẫu của người ngoài và bắt cộng đồng làm theo; chú ý thái độ khi làm việc với cộng đồng; hỗ trợ các nhóm, thay vì hỗ trợ từng cá nhân.

THÁCH THỨC ĐẶT RA VỚI CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO TRONG VIỆC CUNG ỨNG NGUỒN NHÂN LỰC CÔNG TÁC XÃ HỘI GIAI ĐOẠN MỚI

Trước bài toán nhân lực mà xã hội đặt ra, ngành Công tác xã hội thuộc Khoa Luật và Quản lý xã hội, trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên đã được mở ra, nhằm đáp ứng tất cả các tiêu chí về một nhân viên Công tác xã hội chuẩn mực mà xã hội cần.

Để trở thành một nhân viên xã hội chuyên nghiệp, ngoài kiến thức về lý thuyết, sinh viên Đại học Khoa học Thái Nguyên còn được trang bị kiến thức thực tế, kỹ năng và rèn luyện tác phong chuyên nghiệp. Do đó, ngoài các học phần trên lớp, sinh viên còn được cọ sát và trải nghiệm thực tế thông qua các học phần thực hành, thực tập, với 09 tín chỉ thực hành - thực tập trong toàn bộ khung chương trình.

Với mô hình gắn kết “Đưa sinh viên đến với nghề nghiệp, đưa nghề nghiệp đến với sinh viên”, 100% sinh viên ngay từ khi học tập tại nhà trường sẽ có cơ hội được giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức đoàn thể, trung tâm nghề nghiệp để thực hành, thực tập và định hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân như: Sở lao động thương binh – xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội, UBND các cấp, Bệnh viện, Trường học,  Trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ…

Điểm nổi bật trong hoạt động thực hành - thực tập của sinh viên Công tác xã hội đó là mạng lưới các cơ sở luôn sẵn sàng đón nhận sinh viên thực hành, thực tập bao gồm cả Thái Nguyên, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đồng thời, sinh viên luôn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát thường xuyên của Kiểm huấn viên (tại cơ sở thực hành) để đôn đốc, nhắc nhở cũng như định hướng cho sinh viên.  Sau mỗi đợt thực hành, thực tập, Bộ môn đều tiến hành lượng giá rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả thực tập và đưa ra giải pháp cải tiến.

CƠ HỘI VIỆC LÀM RỘNG MỞ CỦA CỬ NHÂN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Công tác xã hội có thể làm việc trong một môi trường rất đa dạng, thuộc các lĩnh vực xã hội khác nhau, từ các cơ quan hành chính sự nghiệp, các trung tâm, cơ sở xã hội trực thuộc nhà nước; đến các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước; các công ty, doanh nghiệp xã hội; các cơ sở của tôn giáo, tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực hỗ trợ và phát triển con người.

Cụ thể hơn, các cử nhân ngành CTXH có thể làm việc tại các cơ quan thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, hoặc tại cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho các đối tượng xã hội khác nhau thuộc các lĩnh vực như y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội (các trường đại học, cao đẳng, các trường học, các trung tâm tư vấn giáo dục, các mái ấm nhà mở, các bệnh viện, các trung tâm bảo trợ xã hội, các chương trình/Dự án phi chính phủ,...). Bên cạnh đó, họ cũng có thể làm việc độc lập với vai trò là nhân viên xã hội, kiểm huấn viên, nhà nghiên cứu, hay cán bộ hoạch định chính sách xã hội.

Chúng tôi cam kết rằng, với tiềm lực mạnh mẽ và nhu cầu xã hội, 100% sinh viên được đào tạo bài bản đều có việc làm sau khi ra trường!