Cựu sinh viên ngành Địa lý trên con đường lập nghiệp
“Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên” (Gôlôbôlin).

Thời gian thấm thoát trôi qua, đã chục năm công tác tại mái trường Đại học Khoa học (trước đây là Khoa Khoa học Tự nhiên), tôi, cùng các thầy cô trong Bộ môn Địa lý, trong Khoa đã dạy dỗ, dìu dắt nhiều khóa sinh viên. Từng gương mặt sinh viên luôn đọng lại, luôn in dấu trong tâm trí mỗi thầy cô lớp dù có khóa đã trưởng thành, rời xa mái trường. Từ lứa sinh viên Địa lý K5 chỉ có 16 sinh viên, mà chúng tôi thường khuyến khích sinh viên là lớp “chất lượng cao” rất ngoan, rất chịu khó và tinh thần nỗ lực học tập cao độ đến sinh viên K14 mới chập chững bước chân vào giảng đường đại học.

Sau 4 năm miệt mài học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, các lứa sinh viên lần lượt ra trường. Trong số đó, có những em sinh viên đi làm dù không đúng ngành, đúng nghề nhưng luôn mang trong mình sự nhiệt huyết, tinh thần nỗ lực, hết mình vì công việc. Tinh thần ấy không chỉ có được do sự rèn luyện của bản thân các em mà còn do sự truyền lửa từ thầy cô khi còn ở giảng đường Đại học. Và, ở một mức độ nhất định đã có không ít những tấm gương cựu sinh viên Địa lý đã bước đầu khẳng định được bản thân và thành công trong công việc của mình.

Là lứa sinh viên đầu tiên của ngành Địa lý, có lẽ không một bạn sinh viên Địa K5 hay thầy cô trong Khoa quên được hình ảnh lớp trưởng Hoàng Thị Bích Hồng, hay bí thư Chi đoàn Dương Thanh Tùng. Đây không chỉ là những cán bộ lớp, cán bộ Đoàn năng nổ, trách nhiệm mà còn là tấm gương về sự cố gắng trong học tập. Thầy cô trong bộ môn không thể nào quên được, khi Tùng thông báo em quyết định đi thực tập ở Viện Địa lý- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lại đăng ký vào Phòng Công nghệ viễn thám, GIS và Bản đồ bởi đây là thử thách rất lớn đối với em. Là sinh viên khóa đầu tiên ở một cơ sở đào tạo còn non trẻ ở khu vực miền núi, nhất là lĩnh vực công nghệ lại dám “dấn thân” đi thực tập ở một Viện nghiên cứu hàng đầu cả nước, nhất là lĩnh vực công nghệ mà sinh viên ngành Địa nào cũng thấy khó khăn. Nhưng kết quả thật bất ngờ, chỉ trong 1 tháng thực tập, với sự nỗ lực không ngừng và sự hướng dẫn của các nhà khoa học hàng đầu trong ngành, Tùng đã đạt điểm tuyệt đối và nhận được những lời khen ngợi của cơ sở thực tập về chuyên môn, về ý thức. Nhưng điều bất ngờ hơn với sinh viên Tùng, sau khi ra trường em lại công tác và thử thách trong lĩnh vực hoàn toàn mới và khác xa với ngành đào tạo- Trưởng phòng đào tạo - Cty TNHH Kết nối truyền thông xanh GCM- chi nhánh Viettel Thái Nguyên. Thời gian công tác chỉ 5 năm nhưng em đã trưởng thành, đã làm công tác quản lý và nhận được nhiều bằng khen của Tập đoàn và công ty. Thành quả ban đầu ấy rất xứng đáng với những cố gắng, với sự kiên trì và không ngừng sang tạo của cựu sinh viên.

Còn lớp trưởng Địa K5 ngày nào giờ đã là giảng viên khoa Môi trường- trường ĐH Hạ Long (Quảng Ninh). Học đúng ngành, với nỗ lực của bản thân, sinh viên Hồng đã làm đúng nghề mà bản thân mơ ước. Em chia sẻ: “Việc học dưới trường đại học Khoa học đã cung cấp cho em những kiến thức cơ bản về ngành Địa lý, nên sau khi ra trường không quá khó khăn trong vấn đề xin việc. Chương trình học và một số học phần em được phân công giảng dạy khá gần nhau nên em rất tự tin về chuyên môn của mình”. Hiện cựu sinh viên đang hoàn thiện chương trình Cao học tại Khoa Môi trường- Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội.

Cũng tiếp bước nghề giáo, cựu sinh viên Nguyễn Thị Bích Liên- lớp trưởng lớp Địa lý K6 đã rất xứng đáng và may mắn khi được giữ lại khoa. Sự quyết tâm và cố gắng không ngừng trong học tập đã giúp Liên từ 1 sinh viên miền núi, nhưng trong kỳ thi Cao học của Khoa Địa lý- Trường Đại học Khoc học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội đã là học viên đạt điểm cao nhất và bảo vệ thành công Luận văn Thạc sỹ đạt loại Xuất sắc. Hiện cựu sinh viên đang công tác tại Bộ môn quản lý Tài nguyên của Khoa và đã khẳng định được năng lực chuyên môn của mình trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Địa lý K6, khóa đầu tiên học chuyên ngành Địa lý du lịch và Du lịch sinh thái, và đã có những hướng dẫn viên du lịch tài năng thành công với nghề. Sinh viên Vũ Thị Dung ngày nào, khi vừa ra trường với quyết tâm lập nghiệp bằng nghề đã phải bươn trải, thử sức, đăng ký tuyển dụng vào nhiều đơn vị lữ hành du lịch ở thủ đô. Câu trả lời của hầu hết các đơn vị là không tuyển dụng vì sinh viên đào tạo ở cơ sở không có danh tiếng trong ngành du lịch, họ không biết chất lượng đào tạo như thế nào. Nhưng rồi, sau bao cố gắng, em đã được nhận vào làm hướng dẫn viên Công ty cổ phần Hanoi Redtours ( 1 trong 10 công ty lữ hành hàng đầu Việt Nam). Giờ em vừa là hướng dẫn viên, vừa là nhân viên kinh doanh - Phòng kinh doanh khách lẻ. Nói chuyện với em, một hướng dẫn viên du lịch năng động với nụ cười duyên dáng: “Em thấy mình thật may mắn khi khóa học học của em lại có chuyên ngành du lịch và du lịch sinh thái. Nó giúp em có thể bước chân vào ngành du lịch.Mặc dù, em không tốt nghiệp với tấm bằng đại học ngành Lữ hành du lịch, nhưng toàn bộ những kiến thức trong ngành du lịch em đã được học, em có thể hoàn toàn áp dụng vào công việc. Quan trọng, kiến thức đã học ở đại học đã giúp em phát triển về tư duy, rèn luyện cho em khả năng tự học hỏi và những kỹ năng mềm cần thiết”.

Các thế hệ sinh viên cứ nối tiếp nhau, và còn nhiều những tấm gương về sự nỗ lực của các cựu sinh viên ngành Địa lý. Nhưng dù các em còn đang học hay đã tốt nghiệp ra trường thì tinh thần nỗ lực trong học tập, tinh thần học hỏi, sự quyết tâm, luôn có ước mơ và dám thực hiện ước mơ của mình thì sẽ đạt đến những thành công trong tương lai.


 Phạm Thị Hồng Nhung - Khoa Khoa học Môi trường và Trái đất