Học và thi môn giáo dục công dân không khó
Lần đầu tiên, môn giáo dục công dân (GDCD) trở thành môn thi vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào ĐH, CĐ do vậy học sinh không tránh khỏi những lo lắng.

Theo giáo viên Nguyễn Phạm Phúc, Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) việc học và thi môn GDCD không khó, chỉ cần học sinh nắm vững nội dung và phương pháp căn bản thì việc đạt thành tích cao là hoàn toàn có cơ sở.
Về nội dung đề thi, thầy Phúc cho hay với 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, mỗi câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án trả lời và có duy nhất 1 phương án trả lời đúng. Xét tổng thể trong đề thi minh họa có các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT (nhận biết: 40%, thông hiểu: 20%) và các câu hỏi phân hóa (vận dụng bậc thấp: 30%, vận dụng bậc cao: 10%) phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Nếu đặt mục tiêu phấn đấu để vào ĐH, CĐ các em nên nắm thật chắc kiến thức, đặc biệt là kiến thức để làm những câu hỏi dạng phân hóa.

Nội dung kiến thức dàn trải hầu hết trong chương trình, cũng chính vì lẽ đó, học sinh nên hệ thống lại toàn bộ kiến thức, tránh tình trạng học tủ, học lệch. Không nhất thiết các em phải nằm lòng từng khái niệm trong sách giáo khoa, chỉ cần hiểu vấn đề và biết cách vận dụng thì các em có thể đạt được kết quả như mong muốn.
Về phương pháp, học sinh cần lưu ý đọc kỹ câu hỏi, đây là điều hết sức cần thiết, nhất là những câu hỏi mang tính phân hóa. Thường những câu hỏi phân hóa sẽ rơi vào trường hợp xử lý tình huống và giữa các đáp án thường không khác biệt nhau nhiều. Nếu chỉ đọc lướt qua, rất có thể học sinh phạm phải sai lầm không đáng có.
Học sinh nên tự tin ở chính mình, khi gặp những câu hỏi dạng nhận biết mà học sinh cảm thấy chắc chắn rồi thì các em nên quyết đoán. Ở mức độ xét tốt nghiệp thì thông thường những câu hỏi này không mang tính chất đánh đố học sinh nhiều, vì vậy các em không nên đặt nặng tâm lý thái quá, hãy dành thời gian để cho câu hỏi khác.

Với những câu hỏi tình huống nếu không biết cách xử trí thì các em hãy xử sự bằng góc độ đạo đức. Pháp luật có nền tảng từ đạo đức, nhiều người làm đúng theo pháp luật không phải vì họ thực sự am hiểu pháp luật mà là vì hành vi của họ phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Hãy đặt mình vào vị trí của người bị hại, thông thường phương án đúng là phương án phù hợp với số đông xã hội đồng tình.
Đừng bỏ sót bất kỳ câu hỏi nào. Nên dùng phương pháp loại trừ. Nên đọc nhiều thông tin trên sách báo để hỗ trợ kiến thức pháp luật còn thiếu hỏng.
Điều quan trọng nhất là giữ cho tinh thần thoải mái xuyên suốt quá trình làm bài. Chỉ khi tâm trí nhẹ nhàng các em mới đạt được độ nhạy bén tốt nhất khi làm bài thi trắc nghiệm. Đừng tự đặt cho mình áp lực quá cao, vì đôi khi, ảnh hưởng từ áp lực tâm lý lên kết quả bài làm là không hề nhỏ.

B.Thanh (ghi)