Thi thử đại học, áp lực thật
Ngày thi THPT quốc gia 2017 đang đến gần, những kỳ thi thử càng dồn dập. Kết quả từ những đợt thi này ít nhiều ảnh hưởng tâm lý của học sinh.

Những kỳ thi thử là một phần quan trọng trong quá trình ôn luyện của học sinh lớp 12. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả tích cực, thi thử cũng mang lại những áp lực nhất định cho sĩ tử.

Nhiều kỳ kiểm tra
Trong một năm, học sinh phải làm nhiều bài kiểm tra, những bạn lớp 12 còn có thêm nhiều kỳ thi thử chuẩn bị cho ngày vượt vũ môn.

Từ đầu học kì II đến nay, em Nguyễn Võ Hà Trực (lớp 12 chuyên Sinh, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định) đã thi thử 4 lần do trường tổ chức. Trực cho biết em còn một lần thi thử nữa.

Đó là chưa kể 2 đợt thi giữa kỳ, cuối kỳ, rất nhiều bài kiểm tra ở lớp, giải đề mẫu, thi thử ở các trung tâm ôn luyện, học thêm. Trực chia sẻ em ngán ngẩm với những kỳ thi, vì lịch quá dày đặc.

Đến nay, học sinh tại TP.HCM đã trải qua một kỳ thi tập dượt. Nhiều trường có kế hoạch tổ chức thêm từ một đến hai đợt thi thử trong thời gian tới.

Em Nguyễn Thúy An (lớp 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quãng Ngãi) cho biết trường tổ chức thi thử, 100% học sinh tham gia. Một số môn bị điểm thấp khiến em xấu hổ, lo lắng.

“Các kỳ thi thử do trường tổ chức, giáo viên thường ra đề khó hơn các năm và đề mẫu. Tâm lý thầy cô cho rằng đề khó, điểm thấp, các em sẽ cố gắng ôn luyện nhiều hơn”, cô Võ Lê Hải Phương (giáo viên trường THPT số 2 Tuy Phước, Bình Định) cho hay.

Áp lực điểm số
Không thể phủ nhận hiệu quả tích cực của những lần thi thử. Học sinh sẽ được làm quen đề, không khí kỳ thi, tập đối mặt áp lực tâm lý thi cử và hiểu rõ năng lực của mình để phấn đấu. Từ điểm số ban đầu của các em, giáo viên sẽ có kế hoạch ôn tập chu đáo cho từng bạn, nhóm học sinh.

Tuy nhiên, điểm số trong các kỳ thi thử cũng mang đến cho học sinh cả áp lực. Không ít bạn phải thay đổi nguyện vọng vì điểm thi thử thấp so với điểm chuẩn các năm của trường đăng ký.

Lịch thi THPT quốc gia 2017. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
“Ban đầu, em định thi Đại học Bách khoa, nhưng sau khi thi thử thấy không khả quan nên đổi sang trường có điểm chuẩn thấp hơn”, Võ Ngọc Hùng (lớp 12, trường THPT Nguyễn Công Trứ TP.HCM) cho biết.

Điểm số trong các kỳ thi thử ảnh hưởng khá nhiều tâm lý học sinh. Nhiều em vì điểm thi không như ý, với áp lực, kỳ vọng từ nhiều phía, phải học đêm học ngày dẫn đến căng thẳng.

TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) khuyên: “Áp lực về điểm số là điều bình thường trong cuộc sống, tạo cho các em sức đề kháng tâm lý cho kỳ thi quan trọng phía trước. Tuy nhiên, học sinh nên xác định rằng đó chỉ là thử, cơ hội vẫn còn, không nên quá căng thẳng. Các em cứ cố gắng hết sức mình, kết quả thế nào cũng nên chấp nhận".

 

 theo: zing.vn