CHÀNG TRAI MÈO VẠC, HÀ GIANG NHẬN HỌC BỔNG “TIẾP SỨC ĐẾN TRƯỜNG”

Câu chuyện về một thí sinh vượt chặng đường dài gần 400 cây số từ Mèo Vạc, Hà Giang xuống Thái Nguyên nhập học giữa 23h00 đêm, và ẩn sau đó là nghị lực phi thường và khát khao tự khẳng định mình của cậu học trò miền núi.

Sinh ra tại mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc - xóm Sủng Tà, Xã Lũng Chinh, Huyện Mèo Vạc, Tỉnh Hà Giang, để xuống Thái Nguyên làm thủ tục nhập học tại Đại học Khoa học, Hờ Mí Dia phải chuyển hai chặng, từ Sủng Tà về Hà Giang, và từ Hà Giang về Thái Nguyên. Đặt chân xuống đến bến xe Thái Nguyên lúc 23h15 đêm 9/8/2018, Dia được các bạn sinh viên tình nguyện trong Câu lạc bộ Luật gia trẻ của Nhà trường đón và đưa về Ký túc xá.

Sinh viên tình nguyện trong Câu lạc bộ Luật gia trẻ của Nhà trường đón và đưa Hờ Mí Dia về Ký túc xá lúc 23h15’

Ấn tượng đầu tiên được tiếp xúc với Dia là hình ảnh một cậu học trò chân thật, chất phác. Tuy nhiên, mỗi câu chia sẻ của Hờ Mí Dia lại rất chân chất và khiêm nhường, đồng thời có chút rắn rỏi và kiên quyết.

Hờ Mí Dia chia sẻ cùng các thầy cô trong

Hội đồng xét tuyển Nhà trường

Dia tâm sự, bản em ở tại Sủng Tà có gần 74 hộ, tuy nhiên tới thời điểm này chỉ có duy nhất mình em học đại học và hai bạn nhỏ học cấp ba, còn lại hầu như không có ai có trình độ đại học. Bố mẹ em thậm chí còn không biết tiếng Kinh. Các thanh niên trong bản nếu học hết cấp hai, chủ yếu là đi làm những việc tay chân hoặc làm công nhân cho công ty giày dép ở Hải Phòng hoặc nhà máy Sun house tại Quảng Ninh. Ngay bản thân mình, em cũng từng nghĩ sẽ đi làm công nhân thay vì học tiếp Đại học.

Trả lời câu hỏi của thầy cô lý do tại sao em lại thay đổi, quyết định đi học tiếp, Dia chia sẻ: “Em đi làm, thấy có người quen đang học tại trường Đại học Khoa học bảo trường vẫn đang xét tuyển, có thể nộp hồ sơ được nên em nộp luôn”. Em chia sẻ thêm: “Em thấy, làm công nhân cũng chỉ được một vài năm, sau đó về cũng không biết làm gì, cả đời vất vả. Các bạn em đi làm công nhân tại Quảng Ninh, Hải Phòng cũng bảo ở đó vất vả, mệt và nóng lắm”.

Lý do em lựa chọn ngành Luật, là mong muốn trở thành một cán bộ xã, khiến bố mẹ được tự hào ở một mảnh đất hầu như hiếm người có bằng Đại học. Khi được hỏi bố mẹ gia đình có ủng hộ việc đi học không, Dia hào hứng: “Bố đã bán đàn lợn nuôi mấy năm nay, được bao nhiêu tiền, bố mua một hai con lợn làm giống, còn lại để em cầm xuống nhập học”. Nhắc đến hình ảnh người cha không biết tiếng Kinh, cũng chưa bao giờ bước chân ra khỏi Hà Giang, lại sẵn sàng bán những thứ quý giá nhất trong nhà, lại giúp con gói ghém xách đồ, tiễn con bắt xe xuống trường, bỗng chốc Dia nắm chặt tay, xúc động...

Trước những chia sẻ của Hờ Mí Dia, Hội đồng xét tuyển Nhà trường đã quyết định trao tặng em suất học bổng “Tiếp sức tới trường” trị giá 2.000.000 đồng, đồng thời hỗ trợ giúp em tìm việc làm thêm. Ngoài ra, Dia và các bạn còn được tham gia những khóa học kỹ năng mềm, Tin học, tiếng Anh… miễn phí để có thể tự tin và sẵn sàng cho năm học mới.

Để chào đón các tân sinh viên k16, Nhà trường sẽ dành 30 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” trị giá mỗi suất 2 triệu đồng cho những sinh viên nghèo vượt khó. Hy vọng rằng, những chính sách hỗ trợ của Nhà trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các tân sinh viên miền núi có thể học tập và khẳng định mình trong tương lai./.

Thu Hằng – TNUS MEDIA