Tập thể các thầy, cô giáo Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) “bật mí” cách làm bài thi trắc nghiệm hiệu quả, giúp thí sinh thi THPT quốc gia “rinh điểm” về cho mình.
Read more: https://luyenthithptquocgia.com/nhung-luu-y-quan-trong-lam-bai-trac-nghiem-dat-diem-cao-a1728.html#ixzz5pCbbxUGm
1. Đọc qua 1 lượt tất cả các câu hỏi. Trả lời ngay những câu dễ và bỏ qua những câu hỏi khó khăn hơn.
2. Phân bổ thời gian trước khi bắt đầu làm bài. Hãy nhớ là luôn trừ đi 10 phút cuối để dò lại bài.
3. Trả lời câu hỏi trước khi nhìn phần đáp án. Hãy tự trả lời câu hỏi trước khi nhìn phần đáp án vì thường các câu hỏi sẽ khá giống nhau và rất dễ gây nhầm lẫn. Nếu chúng ta đọc ngay phần trả lời sau khi xem câu hỏi, rất có thể chúng ta sẽ bị rối và tốn nhiều thời gian hơn cho một câu khi phải đọc lại từ đầu.
4. Đọc thật kĩ yêu cầu của câu hỏi và loại trừ những phương án không chính xác. Đọc thật kĩ yêu cầu của câu hỏi là bước để tránh việc sai những câu đáng tiếc dù chúng ta đã biết rõ câu trả lời, vì yêu cầu đề có thể rất đa dạng từ chọn câu đúng, chọn câu sai, câu đồng nghĩa, câu trái nghĩa, chọn nhiều câu…
Hãy đọc kỹ từng phương án để kết luận xem phương án này là đúng hay sai. Gạch bỏ những lựa chọn chúng ta cho là sai. Hãy chọn những phương án mà chúng ta cho là luôn luôn đúng, sau đó loại trừ những phương án ít hơn theo mức đánh giá như "thường", "có thể" hoặc "không bao giờ".
5. Dùng bút gạch chân từ khóa. Dùng bút chì gạch từ khóa trong câu hỏi hay thậm chí là câu trả lời giúp chúng ta dễ dàng nắm ý chính hơn vì các câu hỏi trong đề có thể sẽ rất dài và khiến chúng ta mất tập trung. Gạch chân các từ khóa sẽ giúp chúng ta nhớ câu hỏi dễ hơn mà không cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần gây mất thời gian.
6. Để những câu không biết sau cùng. Hãy trả lời ngay một lượt những câu chúng ta biết rồi quay lại những câu chúng ta không biết sau đó, vì việc dừng lại cố giải hết một câu vừa gây tốn thời gian mà còn khiến chúng ta thêm hoang mang, lo lắng khi làm bài.
7. Luôn luôn dò lại bài. Trong lúc làm bài rất dễ khoanh / tô nhầm các câu trả lời, đặc biệt là khi làm bài trên Phiếu trả lời trắc nghiệm. Vì vậy hãy luôn luôn dò lại bài để tránh gặp những lỗi đáng tiếc này, chưa kể chúng ta có thể phát hiện ra những câu mình đọc nhầm, thiếu và dẫn đến sai đáp án trong quá trình xem lại.
8. Đừng bỏ trống câu hỏi. Câu sai không bị trừ điểm nên chúng ta đừng bỏ trống câu hỏi nào, vì với mỗi câu hỏi có 4 đáp án chúng ta đều có 25% xác suất trả lời đúng, còn khi chúng ta không trả lời sẽ không có cơ hội trả lời đúng nào cả.
Lưu ý:Hãy ôn luyện thật kỹ trước khi thi. Đánh bừa hay dự đoán sẽ không hữu ích nếu chúng ta thực sự không hiểu gì về bản chất của câu hỏi. Hãy tìm hiểu và nắm chắc dạng đề (các đề thi minh họa của Bộ) để chủ động hơn. Hãy mua sách hoặc tìm kiếm và làm thử những bài thi mẫu trên mạng.
Theo TTHN