Lo lắng, quan tâm và định hướng chọn nghề “thái quá” của một số phụ huynh dẫn đến sự “căng thẳng” cho thí sinh.
Ép con vào ngành cha mẹ muốn
Chỉ còn 5 ngày nữa các thí sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bắt đầu đăng kí dự thi THPT Quốc gia và nguyện vọng xét tuyển vào các ngành học, các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ).
Em Nguyễn Trung Anh, trường THPT Đông Anh (Hà Nội) tặc lưỡi khi nghĩ về chọn ngành học đại học. “Từ hè lớp 11, gia đình đã định hướng cho em ôn tập theo khối tự nhiên để chuẩn bị thi vào các khối ngành kỹ thuật, điện tử nhằm tiếp bước các anh trai đi trước sẽ dễ dàng giúp đỡ xin được việc làm sau này. Nhưng thực lòng em thích học về công nghệ thông tin IT hơn vì em rất mê máy tính. Mấy ngày này, cả nhà em đều căng thẳng và chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng cho việc chọn ngành học.
Trao cho con quyền quyết định chọn ngành học phù hợp với ước muốn. (ảnh minh họa)
Đó là tâm sự của một bạn học sinh, nhưng đứng từ góc nhìn của phụ huynh lại cho rằng, các con nhỏ tuổi, ít va chạm xã hội, những hiểu viết về xu hướng ngành nghề có việc làm còn hạn chế.
Phụ huynh Trần Văn Quân (Hà Nội) kiên quyết, “các con rất dễ lựa chọn ngành nghề theo cảm tính, a dua theo số đông bạn bè đăng ký… học cho vui, không quan tâm tới đặc thù nghề nghiệp cũng như cơ hội công việc sau khi tốt nghiệp. Phụ huynh định hướng là định hướng đúng, tất cả vì lo cho tương lai của con.
Ví dụ, nhiều khi bố mẹ đang làm ngành Dược, quá thuận lợi mà con lại thích theo học ngành Tài chính- Ngân hàng. Các con cứ nghĩ mình trẻ, năng động thì học và làm gì cũng được, nhưng phải tính kế lâu dài mà điều đó thì các bậc phụ huynh mới là người từng trải và hiểu rõ nhất nên làm gì mới là đúng đắn”.
Đã từng “mặt lạnh” với con khi không chọn ngành học theo bố mẹ chỉ lối, phụ huynh Lê Thị Thơm (Phú Thọ) suy nghĩ lại về câu chuyện khi có cô con gái đầu đang học năm thứ 2 ngành kỹ thuật môi trường.
“Cách đây 2 năm về trước, khi con quyết định đăng ký ngành học này, cả nhà té ngửa và phản đối kịch liệt vì nó quá nặng đối với con gái chân yếu tay mềm. Tôi và con đã không nói chuyện với nhau cả tháng trời vì nó một mực muốn chọn ngành học nặng như vậy. Nhưng khi con vào năm nhất đại học, tôi mới thấy mình đã sai”.
Vì tôi muốn định hướng con trở thành cô giáo dạy môn Hóa học, theo nghiệp giáo viên của gia đình, nên việc con gái tự quyết chọn ngành khiến chị thấp thỏm lo âu. Cho đến khi con gái đi học ở Hà Nội được một thời gian tôi mới thở phào, bởi mỗi lần về thăm nhà, nó luôn say sưa kể chuyện ở trường, ở lớp và tự hào về ngành học của mình, cùng những dự định sẽ tiếp cận để học xong đi du học hoặc tìm được việc làm ngay.
“Trộm nghĩ, nếu ngày trước nhất quyết bắt con bé theo học sư phạm, chắc nó không có được tinh thần cầu tiến tốt như bây giờ. Cho nên, khi đến lượt con gái thứ hai chuẩn bị chọn ngành học Đại học tôi để con được quyền tự chọn theo sở thích”, chị Thơm tâm sự.
Tin vào quyết định của con
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cho rằng, việc chọn nghề giống như một hình tam giác đều 3 cạnh là năng lực- sở thích- nhu cầu xã hội. Nhìn vào 3 đỉnh này có thể thấy có 2 điều trong đó thuộc vào yếu tố chủ quan đến từ bản thân người học; vì vậy dù bố mẹ có muốn áp đặt con học ngành này, ngành kia thì cơ may chọn đúng ngành thật sự phù hợp với con là rất thấp.
Khi phụ huynh định hướng chọn ngành nghề cho con thường xuất phát từ 3 lý do như: phụ huynh đã và đang làm ngành nghề này, nên muốn con tiếp nối truyền thống gia đình; phụ huynh mong muốn học và làm trong ngành nghề này nhưng chưa thực hiện được nên muốn con hoàn thành tâm nguyện của mình; phụ huynh chọn những ngành “hot”, trường “hot” theo kiểu “nhất y, nhì dược”…, PGS Phạm Mạnh Hà chỉ rõ.
Trong cả 3 lý do trên, không một lý do nào có xuất phát điểm “con cần gì?, con muốn học gì?” mà chỉ là “ mình muốn con làm gì?”. Mặc dù bố mẹ luôn mong điều tốt nhất cho con, nhưng đã sinh ra con thì cần học cách trao cho con quyền quyết định được sống, được phát triển theo cách riêng.
“Vì vậy, bố mẹ chỉ nên giữ vai trò định hướng và giúp đỡ, còn quyền quyết định chọn ngành học hãy trao vào tay con, để con biết quý trọng và có trách nhiệm kiên trì theo đuổi ước mơ của mình”.
TS tâm lý Phạm Ngọc Linh tư vấn giúp thí sinh chọn ngành học theo đúng năng lực và sở trường của bản thân.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh, TS tâm lý Phạm Ngọc Linh, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam cho rằng, đối với các bạn trẻ thì kinh nghiệm hoàn toàn thua xa bố mẹ, do đó trước khi chứng minh rằng mình đúng, hãy thử lắng nghe ý kiến của phụ huynh và thật sự lưu tâm xem xét; biết đâu, đó chính là lỗ hổng trong kế hoạch của mình.
“Một điểm nữa khi các em gặp mâu thuẫn với bố mẹ về việc đăng kí chọn ngành học, các em có thể chọn đồng minh phù hợp là những người có tiếng nói trước bố mẹ, nhờ họ cho bố mẹ xem những thông tin được chuyên gia hướng nghiệp chia sẻ để họ hiểu được vai trò của con trong hành trình thực hiện ước mơ của bản thân.
Sau khi bố me đã nguôi ngoai, hãy cùng ngồi lại và bàn bạc về điểm mạnh, điểm yếu khi chọn trường, chọn ngành. Cần cân nhắc đến các yếu tố về địa lý, học phí, năng lực bản thân, cơ hội việc làm… để tiến tới đưa ra ít nhất một lựa chọn phù hợp trước khi đặt bút đăng kí nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2019”, TS Phạm Ngọc Linh chia sẻ.
Theo: Hà Cường, dantri.com.vn