Cách thức tổ chức kỳ thi, lựa chọn học nghề thay vì đại học hay tiêu chí dự thi vào trường quân đội là điều thí sinh quan tâm.
Ngày 19/1, tại thành phố Vinh (Nghệ An), đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các khối trường công an, quân đội và lãnh đạo nhiều đại học lớn đã giải đáp băn khoăn của học sinh THPT trong buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019 do báo Tuổi trẻ tổ chức.
Đại diện Bộ Giáo dục cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2019 về phương thức tổ chức không thay đổi so với hai năm trước, vẫn diễn ra tại địa phương và do Sở Giáo dục chủ trì, phối hợp với các trường đại học được Bộ Giáo dục phân công về địa phương tổ chức coi thi.
Thời gian thi hai ngày rưỡi với các môn trắc nghiệm Toán; Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học xã hội, tổ hợp Khoa học tự nhiên và bài tự luận Ngữ văn. Năm nay đề thi sẽ bám sát chuẩn kỹ năng thuộc chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. "Các em yên tâm, chúng ta không phải di chuyển đến các trung tâm thành phố lớn. Có thể coi việc đi thi như đi học", đại diện Bộ Giáo dục nói.
Một nữ sinh đặt câu hỏi với tổ tư vấn. Ảnh: Nguyễn Hải.
Trả lời câu hỏi "hiện nay ngành nghề nào hot nhất và khả năng tìm được việc làm dễ nhất với mức lương cao?", tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục) nói lương cao phải gắn với năng lực cao. Để có năng lực cao, mỗi người phải tập trung học tập, bổ sung kiến thức để làm sao đáp ứng yêu cầu mà các đơn vị sẽ trả lương trực tiếp cho mình.
"Nói ngành nào hot nhất hiện nay rất khó, bởi lúc này là vậy nhưng có thể 4-5 năm nữa các em ra trường thì chưa chắc còn hot. Các em nên chọn ngành nghề nào phù hợp với năng lực, sở trường và tính cách mình", ông Hồng phân tích.
"Những năm tới có những chính sách nào để khuyến khích học sinh học nghề thay vì đại học, cao đẳng chuyên nghiệp không?", một học sinh hỏi.
Ông Đỗ Văn Giang, Vụ phó Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), nói học nghề thì sẽ được thực hành nhiều hơn, cơ hội rèn luyện kỹ năng, khả năng ứng xử trong công việc nhiều hơn, tạo cho bản thân sự chủ động. "Khi ra trường, các em sẽ có nhiều cơ hội để lập thân, lập nghiệp như những người đi theo con đường đại học", ông Giang nói.
Về tiền lương, Vụ phó Giang cho hay khi vào làm việc ở doanh nghiệp nhà nước hoặc các cơ quan công quyền, người làm sẽ được áp dụng theo thang bảng lương chung do Bộ Nội vụ quy định. Còn khi vào làm việc ở doanh nghiệp tư nhân thì dựa vào năng lực của mỗi người.
Trung tá Nguyễn Thái Ngọc - Trợ lý tuyển sinh Học viện Quân y. Ảnh: Nguyễn Hải.
"Tiêu chí để thi vào trường quân đội và cách thức thi ra sao?", nam sinh đặt câu hỏi với các chuyên gia ở nhóm tư vấn chuyên sâu.
Trung tá Nguyễn Thái Ngọc, trợ lý tuyển sinh Học viện Quân y cho hay, với các trường trong quân đội, ngoài tiêu chí do Bộ Giáo dục quy định còn phải đáp ứng yêu cầu của ngành quân đội, như: phẩm chất chính trị rõ ràng, có sức khỏe, trình độ văn hóa.
"Các em phải qua sơ tuyển tại Ban tuyển sinh quân sự cấp huyện, thành phố trực thuộc; phải có chiều cao tối thiểu 1,63 m trở lên và nặng 50 kg với nam; cao 1,58 và nặng 48 kg với nữ", đại diện Học viện Quân y.
Hàng nghìn học sinh lớp 12 ở TP Vinh và phụ cận tới dự buổi tư vấn. Ảnh: Nguyễn Hải.
Sau hơn 3 giờ, hàng chục câu hỏi của học sinh được gửi tới các nhóm tư vấn chuyên sâu và tư vấn chung. Trong đó có nhiều câu hỏi liên quan tới xét tuyển; chất lượng các trường đại học; có nên theo học ngành sư phạm hay không...
Nguồn: https://vnexpress.net