NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC THÁI NGUYÊN – CƠ SỞ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO VÀ CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP TRONG TẦM TAY

Ngày 25/3/2010, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, đánh dấu mốc quan trọng của ngành CTXH tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển đó, Bộ môn Công tác xã hội được thành lập ngày 09/09/2010 với mục tiêu hướng đến một trung tâm nghiên cứu và đào tạo uy tín, nơi tập trung các chuyên gia, giảng viên trình độ cao, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế về công tác xã hội và cam kết đảm bảo chất lượng chuẩn đầu ra cũng như cơ hội việc làm cho sinh viên.

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI

Công tác xã hội là một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với sứ mệnh giúp đỡ, hỗ trợ những người yếu thế, không may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cộng đồng nhằm giúp họ tự lực vươn lên, hòa nhập và có cuộc sống tốt hơn. Đó có thể là những người khuyết tật, trẻ em mồ côi hay những người mắc bệnh nan y, nạn nhân của thiên tai, dịch bệnh,… Và cả những người già neo đơn, không còn người thân chăm sóc.

Những nhân viên Công tác xã hội có mặt ở bất kỳ nơi nào mà mọi người gặp khó khăn cần sự giúp đỡ, đó có thể là những quốc gia nghèo thuộc Châu Á, Châu Phi, những nơi xảy ra chiến tranh, xung đột,… Và cho đến cả những quốc gia đứng đầu thế giới về kinh tế như Mỹ, CHLB Đức, Nhật Bản,.. thì họ cũng đang rất thiếu và rất cần những người có chuyên môn về công tác xã hội để đảm bảo sự ổn định và an sinh xã hội.

Theo khung quốc tế, trung bình 1.000 dân cần có 01 nhân viên CTXH, 500 dân phải có 01 nhân viên bán chuyên nghiệp. Như vậy, Việt Nam cần khoảng 300.000 nhân viên CTXH chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Tuy nhiên cả nước mới có khoảng 70.000 nhân viên CTXH cả đào tạo và chưa đào tạo, như vậy nhân lực ngành CTXH mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu đặc biệt là nhân lực cấp xã, cấp cơ sở.

Ở Việt Nam, các dịch vụ công tác xã hội đặc thù như: Chăm sóc người già, trẻ lang thang, bạo hành gia đình, tâm thần, sức khỏe sinh sản, người nhiễm HIV/AIDS… đang có nhu cầu lớn và rất cần đội ngũ cán bộ làm Công tác xã hội chuyên nghiệp.

ĐIỀU GÌ ĐẶC BIỆT KHI TRỞ THÀNH MỘT NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI?

Để trở thành một nhân viên xã hội chuyên nghiệp, ngoài kiến thức về lý thuyết, sinh viên cần phải có kiến thức thực tế, trang bị kỹ năng và rèn luyện tác phong chuyên nghiệp. Do đó, ngoài các học phần trên lớp, sinh viên còn được cọ sát và trải nghiệm thực tế thông qua các học phần thực hành, thực tập, với 09 tín chỉ thực hành - thực tập trong toàn bộ khung chương trình.

Với mô hình gắn kết “Đưa sinh viên đến với nghề nghiệp, đưa nghề nghiệp đến với sinh viên”, 100% sinh viên ngay từ khi học tập tại nhà trường sẽ có cơ hội được giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức đoàn thể, trung tâm nghề nghiệp để thực hành, thực tập và định hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân như: Sở lao động thương binh – xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội, UBND các cấp, Bệnh viện, Trường học,  Trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ…

Điểm nổi bật trong hoạt động thực hành - thực tập của sinh viên Công tác xã hội đó là mạng lưới các cơ sở luôn sẵn sàng đón nhận sinh viên thực hành, thực tập bao gồm cả Thái Nguyên, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đồng thời, sinh viên luôn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát thường xuyên của Kiểm huấn viên (tại cơ sở thực hành) để đôn đốc, nhắc nhở cũng như định hướng cho sinh viên. Sinh viên cũng được trải nghiệm cả 3 phương pháp chuyên ngành của Công tác xã hội là Công tác xã hội với cá nhân (thực hành 1), Công tác xã hội nhóm (thực hành 2) và Phát triển cộng đồng (thực tập). Sau mỗi đợt thực hành, thực tập, Bộ môn đều tiến hành lượng giá rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả thực tập và đưa ra giải pháp cải tiến.

CƠ HỘI VIỆC LÀM RỘNG MỞ CỦA CỬ NHÂN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Công tác xã hội có thể làm việc trong một môi trường rất đa dạng, thuộc các lĩnh vực xã hội khác nhau, từ các cơ quan hành chính sự nghiệp, các trung tâm, cơ sở xã hội trực thuộc nhà nước; đến các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước; các công ty, doanh nghiệp xã hội; các cơ sở của tôn giáo, tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực hỗ trợ và phát triển con người.

Cụ thể hơn, các cử nhân ngành CTXH có thể làm việc tại các cơ quan thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, hoặc tại cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho các đối tượng xã hội khác nhau thuộc các lĩnh vực như y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội (các trường đại học, cao đẳng, các trường học, các trung tâm tư vấn giáo dục, các mái ấm nhà mở, các bệnh viện, các trung tâm bảo trợ xã hội, các chương trình/Dự án phi chính phủ,...). Bên cạnh đó, họ cũng có thể làm việc độc lập với vai trò là nhân viên xã hội, kiểm huấn viên, nhà nghiên cứu, hay cán bộ hoạch định chính sách xã hội.

Chúng tôi cam kết rằng, với tiềm lực mạnh mẽ và nhu cầu xã hội, 100% sinh viên được đào tạo bài bản đều có việc làm sau khi ra trường.


CỰU SINH VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI NÓI GÌ?

Vũ Huy Nguyên – Cựu sinh viên Công tác xã hội - Công tác tại phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Phú Bình

“Quả thật, tôi rất tự hào khi tốt nghiệp trường Đại học khoa học, tôi không tự hào khi mọi người nói rằng " nhà giàu mới có tiền học", mà tôi tự hào vì đã lựa chọn và được học 1 trường đại học "tử tế". Một người đàn anh, một học sinh giỏi có tiếng và là cựu sinh viên 1 trường đại học "tốp" đã nói với tôi rằng " Anh thích cách trường Khoa học dạy và học, họ đào tạo theo nhiều phương pháp khác nhau sao cho sinh viên dễ tiếp thu kiến thức nhất và có rất nhiều hoạt động chuyên môn thực tế cho sinh viên trải nghiệm, vào không khó, nhưng để ra trường được thì đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của bản thân rất nhiều. Học ở đâu không quan trọng, quan trọng là bạn đã đặt cho mình những mục tiêu gì, có thực sự phấn đấu cho những mục tiêu đó không.”

Cựu sinh viên Lương Thúy Thoa - Lớp Cử nhân công tác xã hội K8 - cán bộ phụ trách Văn hóa - Xã hội tại UBND xã Đức Thông, Thạch An, Cao Bằng

"Thực sự, bản thân em cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được học tập tại ngôi trường ĐH Khoa học thân yêu này. Bởi chính từ nơi đây, sân trường này, lớp học này, em đã thấm vào mình từng con chữ, từng bài học - những "Đứa con tinh thần" của các thầy, các cô đã và đang ngày đêm cặm cụi bên những trang giáo án để sớm mai lên bục giảng.....”

Thông tin chi tiết về ngành Công tác xã hội xem tại đây

Đăng ký xét tuyển học bạ THPT ngành Công tác xã hội TẠI ĐÂY

NGÀNH KHOA HỌC QUẢN LÝ– CHUẨN MỰC TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI QUẢN LÝ

BAN TƯ VẤN TUYỂN SINH