Phòng ngừa tiêu cực trong tổ chức thi THPT quốc gia 2019

Còn khoảng bốn tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra. Kỳ thi năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đưa ra nhiều giải pháp để phòng ngừa gian lận, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của địa phương, tăng cường sự phối hợp của các trường đại học trong công tác tổ chức thi.

Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh hoàn thiện các thủ tục trước buổi thi môn Ngữ văn Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại điểm thi Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).


Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ĐT) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2019 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như những năm vừa qua với mục đích xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thí sinh tiếp tục dự thi tại trường hoặc liên trường phổ thông. Việc này nhằm giảm khó khăn, chi phí cho thí sinh và xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là gian lận của kỳ thi đều có thể xảy ra ở tất cả các khâu. Vì vậy, thay vì tổ chức điểm thi dành riêng đối với thí sinh tự do như mọi năm, năm 2019, Bộ GD và ĐT yêu cầu mỗi hội đồng thi lựa chọn một số điểm thi dành cả cho các thí sinh tự do, thí sinh THPT, giáo dục thường xuyên thi chung; việc coi thi, chấm thi được thực hiện nghiêm theo quy chế để bảo đảm tính công bằng.

Công tác vận chuyển đề thi, bài thi được quy định kỹ hơn về quy cách niêm phong, nhất là quy định rõ vai trò của công an. Bộ cũng quy định chặt chẽ hơn việc bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi; yêu cầu có công an bảo vệ và ca-mê-ra an ninh giám sát khu vực này thường xuyên; phó trưởng điểm thi hoặc thư ký của trường đại học trực ban đêm. Về niêm phong túi bài thi được quy định cụ thể như: Hai cán bộ coi thi ký giáp lai, có họ tên, chữ ký của phó trưởng điểm thi đến từ trường đại học; dán phủ băng dính trong lên nhãn niêm phong bảo đảm mọi can thiệp đều bị phát hiện. Trước hành vi can thiệp để nâng điểm bài thi của thí sinh tại một số hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018, năm nay, Bộ GD và ĐT yêu cầu, tại khu vực chấm thi bắt buộc phải lắp đặt ca-mê-ra an ninh giám sát; cách ly trong quá trình làm phách bài thi tự luận môn Ngữ văn. Một điều chỉnh rất quan trọng của kỳ thi năm nay là bộ giao các trường đại học đủ năng lực chấm bài thi trắc nghiệm; quy trình chấm thi có những điều chỉnh rõ ràng, chi tiết hơn. Bên cạnh đó, điều chỉnh, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng, tất cả những dữ liệu chấm thi từ việc quét ảnh bài thi và các dữ liệu khác đều được mã hóa; đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh, quản lý người dùng để không thể tự ý can thiệp. Trong việc chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn, ngoài việc vẫn yêu cầu chấm kiểm tra ngẫu nhiên 5% bài thi như năm trước, những bài thi điểm cao sẽ được lựa chọn để chấm kiểm tra.

Nâng cao vai trò của địa phương

Theo Giám đốc Sở GD và ĐT Phú Thọ Nguyễn Minh Tường, nhìn chung các yêu cầu, giải pháp của Bộ GD và ĐT đưa ra bảo đảm chặt chẽ; việc lắp đặt ca-mê-ra an ninh tại khu vực chấm thi, bảo quản đề thi, bài thi là cần thiết. Tuy nhiên, để thiết bị giám sát bảo đảm độ sắc nét, hoạt động thông suốt, ngành giáo dục các địa phương cần phối hợp tốt với ngành điện lực. Nếu xảy ra sự cố mất điện thì việc lắp ca-mê-ra cũng không có tác dụng cho nên cần có phương án dự phòng, bảo đảm thiết bị giám sát vẫn hoạt động ổn định thông qua nguồn điện dự phòng. Làm tốt vấn đề này sẽ tránh các rủi ro, cũng như thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của địa phương. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Lai Châu Hoàng Đức Minh cho biết, công tác phối hợp với trường đại học trong tổ chức kỳ thi những vừa năm qua chưa thật sự hiệu quả, nhiều lúc còn gặp khó khăn, lúng túng. Vì vậy, Bộ GD và ĐT cần lựa chọn, phân công các trường đại học có đủ năng lực và yêu cầu các trường khi cử cán bộ, giảng viên tham gia công tác tổ chức thi phải được tập huấn kỹ càng, đúng thành phần.

PGS, TS Mai Văn Trinh chia sẻ, nhìn chung các giải pháp để phòng ngừa tiêu cực được các địa phương, trường đại học đồng thuận, đánh giá cao. Những ý kiến đóng góp sẽ được bộ tiếp thu, điều chỉnh trong quy chế, hướng dẫn thi. Chung quanh một số ý kiến cho rằng, nếu vẫn giao các địa phương chủ trì việc coi thi thì có thể xảy ra tiêu cực, PGS, TS Mai Văn Trinh cho biết, nghi vấn, băn khoăn đặt ra là có cơ sở. Tuy nhiên, nếu các địa phương thực hiện đúng quy định thì kỳ thi sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả. Ngược lại, dù quy định, quy trình có chặt chẽ đến mấy, nhưng con người có ý đồ thực hiện gian lận thì khó có thể bảo đảm tính nghiêm túc. Vì vậy, Bộ GD và ĐT gửi thông điệp đến các địa phương, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đặt dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, nhưng người chịu trách nhiệm trực tiếp là Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm.

“Mọi điều chỉnh của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 chủ yếu hướng tới thầy giáo, cô giáo, cán bộ tổ chức kỳ thi. Với thí sinh, cơ bản giữ ổn định, cho nên các em yên tâm học tập, ôn luyện, nhất là xem các đề thi tham khảo để ôn tập, tránh học tủ, học lệch. Bộ GD và ĐT cùng các địa phương, thầy giáo, cô giáo tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan”, PGS, TS Mai Văn Trinh chia sẻ.


QUÝ TÙNG

NHANDAN.COM