Tuyển sinh đại học 2019: Linh hoạt các phương án tuyển sinh

Kỳ thi tuyển sinh ĐH 2019 đang đến gần. Theo Bộ GDĐT, năm nay các trường đại học, cao đẳng chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh, đảm bảo nguyên tắc tự chủ. Ngoài phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019, các trường có thể sử dụng phương thức khác để tuyển sinh. Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), năm 2019, kỳ thi THPT quốc gia sẽ có 4 điều chỉnh lớn.

Nhiều phương án tuyển sinh ĐH 2019 được các trường áp dụng.

Để tiến tới giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố những thay đổi trong phương án xét tuyển ĐH 2019.

Đa dạng phương án

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), năm 2019, kỳ thi THPT quốc gia sẽ có 4 điều chỉnh lớn. Cụ thể, đề thi năm 2019 có nội dung nằm trong chương trình cấp THPT chủ yếu lớp 12, bảo đảm khối lượng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời có độ phân hóa hợp lí để giúp các cơ sở GDĐH làm căn cứ tuyển sinh.

Thứ hai, tăng cường vai trò của các trường ĐH trong việc tổ chức thi theo nguyên tắc các trường ĐH, CĐ địa phương không tổ chức thi ở địa phương mình. Tăng cường vai trò của cán bộ đến từ các trường ĐH trong các khâu tổ chức thi, bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi. Đặc biệt năm nay, Bộ GDĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chấm các bài thi trắc nghiệm.

Thứ ba, quy định rõ, đồng bộ trong toàn hệ thống việc niêm phong túi đựng bài thi để ngăn ngừa gian lận, tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình lưu trữ; Sử dụng camera giám sát các phòng lưu trữ đề thi, bài thi và các phòng chấm thi 24/24 giờ; Phần mềm chấm thi sẽ được Bộ GDĐT hoàn chỉnh theo hướng mã hóa dữ liệu chấm thi và tiến hành đánh phách điện tử các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh.

Thứ tư, tỉ lệ điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp sẽ tăng lên, dự kiến chiếm 70%, điểm học tập lớp 12 sẽ là 30%.

Trên cơ sở này, nhiều trường ĐH công bố phương án tuyển sinh 2019 trong đó có căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia cùng các phương án xét tuyển khác.

Ông Nguyễn Phong Điền- Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, về cơ bản, trường vẫn giữ ổn định tuyển sinh 2019 như năm 2018 là dựa vào kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Dù có nhiều phương án khác nhưng để thí sinh và gia đình ổn định tâm lý, nhà trường quyết định tiếp tục xét tuyển như năm trước và và không xét học bạ.

Cụ thể, trong năm 2018, để đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên.

Năm 2019, Trường ĐH Tài chính - Marketing sử dụng đồng thời các phương thức tuyển sinh bao gồm xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tuyển thẳng các thí sinh theo quy định và các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi, cuộc thi khoa học, kỹ thuật những môn học thuộc tổ hợp xét tuyển của trường. Bên cạnh đó, trường xét tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp THPT năm 2019 có kết quả học tập THPT 3 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, hoặc có kết quả cao trong quá trình học THPT đối với các môn trong tổ hợp xét tuyển của trường.

Ngoài áp dụng 3 phương án tuyển sinh này, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) dự kiến bổ sung phương án sử dụng các chứng chỉ THPT quốc tế để xét tuyển chương trình tiên tiến của ngành Hệ thống Thông tin. Trong năm đầu tiên áp dụng phương án này, trường dành 20% chỉ tiêu (10 sinh viên) ngành Hệ thống Thông tin để xét tuyển theo phương thức mới. Theo ông Vũ Đức Lung - Phó Hiệu trưởng nhà trường, ngành Hệ thống Thông tin đã giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh từ năm 2018 nên việc xét tuyển chứng chỉ THPT quốc tế hoàn toàn phù hợp. Đồng thời, thêm phương thức xét tuyển này sẽ thu hút sinh viên quốc tế đến trường học tập.

Năm 2019, ĐH Quốc gia Hà Nội ngoài sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH chính quy còn mở rộng phương thức xét tuyển thẳng. Theo đó, xét tuyển thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng đạt từ 70/140 điểm trở lên và chưa nhập học vào bất kỳ đơn vị đào tạo nào của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge (Cambridge International Examinations A-Level, UK); Xét tuyển thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên mới đủ điều kiện đăng ký để xét tuyển.

Giảm phụ thuộc vào điểm thi THPT quốc gia 

Như vậy, kết quả thi THPT quốc gia không còn là cánh cửa duy nhất để thí sinh bước vào ĐH. Các trường đều sử dụng đa dạng các phương án tuyển sinh để gia tăng nguồn tuyển đạt chất lượng. Các hình thức xét tuyển trong từng trường cũng đa dạng hơn khi có những căn cứ đánh giá khác ngoài điểm thi THPT quốc gia. Ví dụ điểm thi THPT quốc gia kết hợp xét học bạ 3 năm THPT, hoặc xét điểm các môn thành phần trong quá trình học. Hoặc điểm thi THPT quốc gia đủ ngưỡng yêu cầu, nhưng thí sinh cần trải qua một vòng phỏng vấn nữa như Học viện Báo chí và tuyên truyền yêu cầu đối với các bộ môn báo hình, phát thanh hay phỏng vấn thí sinh cho các khoa có lớp đào tạo chất lượng cao.

Với các phương án xét tuyển linh hoạt hiện nay, các trường đang giảm dần sự phụ thuộc vào điểm thi THPT quốc gia.

Từ phía người học, nhiều thí sinh bày tỏ mong muốn các trường sớm công bố phương án tuyển sinh để chủ động lựa chọn. Đồng thời, cân nhắc các phương án để không gây xáo trộn quá mức, không làm rối thí sinh bằng nhiều phương thức tuyển…

Theo Thu Hương

Đại Đoàn Kết