Tuyển sinh đại học 2019: Nhiều hình thức xét tuyển

Đến thời điểm này nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố phương án tuyển sinh 2019. Nhiều trường ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Lần đầu tiên, Trường ĐH Hàng hải có phương thức xét tuyển thẳng theo đặt hàng và học bổng của doanh nghiệp.

Trường ĐH Ngoại thương dự kiến tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2019 theo 4 phương thức.

Ưu tiên thí sinh có năng lực ngoại ngữ

Các trường ĐH lớn phía Bắc đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh năm 2019. Đa số đều sử dụng nhiều hình thức xét tuyển năm 2019.

Năm 2019, ĐHQG Hà Nội tuyển 9.000 chỉ tiêu vào các trường, khoa thành viên. Ngoài phương thức xét tuyển truyền thống theo kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019; xét tuyển thẳng với thí sinh đạt giải quốc gia, quốc tế thì năm nay, ĐHQG Hà Nội sẽ xét tuyển với các thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK) có kết quả 3 môn phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo tương ứng.

Điều kiện cần là trong đó có ít nhất một trong 2 môn Toán, Ngữ văn với mức điểm tối thiểu mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60). Hoặc các thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi). Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi) và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn).

ĐHQG Hà Nội dự kiến sẽ xét tuyển 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 10/7 đến ngày 31/7 với các thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và từ ngày 10/7 đến 31/8 đối với thí sinh sử dụng phương thức khác. Đợt bổ sung (đợt 2) dự kiến từ ngày 13/8.

Trong phương thức xét tuyển của Trường ĐH Ngoại thương năm 2019, trường cũng có thêm phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập 3 năm THPT, xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển thẳng.

Ở phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT, trường dự kiến triển khai vào tháng 5 - ngay khi chương trình học THPT kết thúc. Thí sinh đăng ký nếu không trúng tuyển hoặc không xác nhận nhập học có thể tiếp tục tham gia các phương thức xét tuyển còn lại.

Phương thức này áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, thuộc ngành ngôn ngữ, chuyên ngành ngôn ngữ thương mại. Chỉ học sinh các lớp chuyên của trường chuyên, có điểm trung bình học tập chung 3 năm THPT từ 8 trở lên, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt yêu cầu trường đề ra và một số tiêu chuẩn điểm học tập, hạnh kiểm... mới đủ điều kiện xét tuyển.

Phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019: về cơ bản không thay đổi so với phương thức xét tuyển của năm 2018. Năm 2019, dự kiến bổ sung tổ hợp xét tuyển D01 cho ngành ngôn ngữ Pháp, chuyên ngành Tiếng Pháp thương mại.

Các thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển kết hợp nếu không trúng tuyển hoặc không xác nhận nhập học có thể tiếp tục tham gia phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019.

Dự kiến tổng chỉ tiêu cho hệ chính quy của Trường ĐH Ngoại thương là 3.850, giữ ổn định so với năm 2018. Trong đó, tại cơ sở Hà Nội là 2750, tại cơ sở TPHCM là 950 và tại cơ sở Quảng Ninh là 150.

Doanh nghiệp đặt hàng trường ĐH

Một trường khác cũng xét tuyển thẳng kết hợp với kết quả thi THPT quốc gia và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Cụ thể, những thí sinh có tổng điểm các môn thi THPT quốc gia năm 2019 trong tổ hợp môn xét tuyển đạt ngưỡng chất lượng đầu vào theo quy định của nhà trường và đáp ứng một trong các hình thức sau: chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế IELTS 5.0 hoặc tương đương trở lên trong thời hạn (tính đến ngày 30/6/2019) hoặc đạt các giải Nhất, Nhì, Ba các môn thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trở lên. Các môn thi gồm: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tin học và Ngoại ngữ.

Lãnh đạo nhà trường cho biết, đây là năm đầu tiên nhà trường có phương thức xét tuyển thẳng theo đặt hàng và học bổng của doanh nghiệp. Cụ thể 2 chuyên ngành đi biển: Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu biển sẽ xét tuyển các thí sinh có tổng điểm các môn thi THPT quốc gia năm 2019 hoặc tổng điểm trung bình của 3 môn theo kết quả của 3 năm THPT (trong tổ hợp môn xét tuyển) cộng với điểm ưu tiên đạt ngưỡng chất lượng đầu vào theo quy định của nhà trường.

Trước đó, tại hội nghị Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ĐH và trường sư phạm năm 2018 vừa diễn ra ở Hà Nội, một số lãnh đạo các trường ĐH đề xuất những năm gần đây có những ngành rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước nhưng các trường không tuyển sinh được. Vì vậy, Bộ GDĐT và các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét xây dựng cơ chế đặt hàng để các trường đào tạo sinh viên theo nhu cầu xã hội. Việc Trường ĐH Hàng hải liên kết với các doanh nghiệp để tuyển sinh sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đây cũng là động lực để các em phấn đấu học tốt hơn trong quá trình học tập tại nhà trường.

Theo Thu Hương

Đại Đoàn Kết