05 NGỘ NHẬN VỀ NGHỀ LUẬT KHI HỌC TẠI ĐẠI HỌC KHOA HỌC THÁI NGUYÊN

     Tại các quốc gia phát triển, Bác sĩ và Luật sư là 02 nghề quan trọng và có nhu cầu lớn trong xã hội, bởi vấn đề sức khỏe là quan trọng và mọi hoạt động dân sự đều cần có Luật sư riêng. Cùng với xu thế chung của xã hội hiện nay, ngành Luật trở thành một trong số ngành HOT được các bậc phụ huynh và các em học sinh lớp 12 THPT đặc biệt quan tâm lựa chọn trước khi bước chân vào Đại học. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn, ngộ nhận khi lựa chọn ngành, chọn nghề, và điều này cũng trở thành rào cản ngăn các em chạm tay tới sở thích, ước mơ. Bài viết dưới đây nêu lên 05 nhầm lẫn quen thuộc về nghề luật cần được hiểu đúng.

"THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ NGÀNH LUẬT"

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN HỌC BẠ VÀO NGÀNH LUẬT NGAY TỪ BÂY GIỜ: Chi tiết tại đây

    1. “Học Luật tại Đại học Khoa học Thái Nguyên chỉ thiên về chuyên ngành Hình sự, mình không thích hình sự đâu, khô cứng lắm!”

     Khi đỗ và theo học ngành Luật tại Khoa Luật và Quản lý xã hội, trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, vào năm thứ nhất và năm thứ hai, sinh viên sẽ được học các môn đại cương và các môn học mang tính đặc thù ngành như: Luật Hiến pháp, Luật Hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật Dân sự, Luật tố tụng dân sự, Luật Thương mại, Luật tài chính, Luật đất đai, Luật lao động, Luật hành chính, Công pháp quốc tế, Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp luật về an sinh xã hội, Luật canh tranh -  bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

    Sang năm thứ ba, sinh viên được định hướng và lựa chọn một trong 04 chuyên ngành: Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Kinh tế - Quốc tế, Luật Hiến pháp – Hành chính với các môn học chuyên sâu tới lĩnh vực mà mình yêu thích.

      2. “Mình không giỏi cãi nhau, làm sao học Luật được?”

     Trước đây, mọi người hay nói vui: “Học Luật làm thầy cãi”. Việc hành nghề Luật, ngược lại, nhắm vào sự thuyết phục. Điều này được thể hiện ở cả kỹ năng viết và kỹ năng hùng biện, kỹ năng tư duy logic và có căn cứ dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật. Khả năng phản biện, tranh luận để đi đến mục tiêu tối thượng là thuyết phục hoặc thỏa hiệp với một chủ thể nào đó hoàn toàn khác biệt với các “kỹ năng” cãi nhau thuần túy ít khi mang lại lợi ích cho Luật sư hay người làm luật.

      3. “Mình có trí nhớ kém lắm, làm sao để học thuộc quyển luật dày thế này?!”

     Người học Luật không hẳn là người nắm rõ, thuộc lòng từng điều luật. Thực tế đã chỉ ra, người làm Luật cần hiểu rõ bản chất, nguyên tắc và phương pháp áp dụng của quy định pháp luật. Ví dụ cụ thể, đối với các Luật sư Hình sự, việc ghi nhớ các quy định trong pháp luật hình sự và tố tụng hình sự sẽ không giúp ích nhiều trong quá trình hành nghề, mà thay vào đó, họ cần phải hiểu và nắm rõ các cấu thành tội phạm, đặc trưng cần phân biệt giữa những loại tội phạm cũng như bản chất của từng giai đoạn tố tụng. Trí nhớ tốt chỉ là một lợi thế, ưu điểm khi hành nghề này mà thôi.

      4. “Học Luật khô khan mà nhàm chán lắm!”

    Khi học Luật tại trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, người học không chỉ được đào tạo kiến thức chuyên môn một cách bài bản mà  còn được tham gia thực tế chuyên môn, thực tập tốt nghiệp…

     Sinh viên học tập tại trường còn thường xuyên được tổ chức tham gia các hoạt động giúp rèn luyên kỹ năng nghề Luật như tham gia “Phiên tòa tập sự”, “Olympic pháp luật”, tham gia CLB Luật gia trẻ, thường xuyên tham gia các phiên tòa lưu động xét xử tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên...

      5. “Học Luật ra chỉ để làm Luật sư, mình chẳng thích nghề này!”

     Đây là một trong số những ngộ nhận điển hình, quen thuộc của những người đang băn khoăn lựa chọn ngành Luật. Có thể nói hiện nay, ngành Luật là một trong những ngành có cơ hội việc làm rộng mở nhất và linh hoạt nhất. Người học sau khi tốt nghiệp có rất nhiều các công việc có thể phát triển như: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Công chứng viên, nhân viên pháp chế tại các doanh nghiệp, Chấp hành viên, điều tra viên, giám định viên, chuyên viên pháp lý, cố vấn pháp lý, giáo viên dạy luật, cán bộ nghiên cứu pháp luật... trong các cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan công an, cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu...

     Có thể thấy rằng, ngành Luật đang và sẽ chứng tỏ sức hút về đào tạo và cơ hội việc làm trong tương lai. Làm rõ những ngộ nhận, thí sinh sẽ có thể có những lựa chọn chính xác trong thời gian tới.

BAN TƯ VẤN TUYỂN SINH