Nhiều cơ hội cho sinh viên ngành du lịch - dịch vụ

Ngày 6.3, tại chương trình tư vấn trực tuyến về nhóm ngành dịch vụ du lịch của Báo Thanh Niên, các chuyên gia đã phác họa rất rõ nét những cơ hội việc làm mà nhóm ngành này sẽ mang lại cho người học trong tương lai.

Chương trình được trực tiếp tại thanhnien.vn, qua Fanpage Facebook và kênh YouTube của Báo Thanh Niên.

Triển vọng nghề nghiệp:

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết năm 2018, số lượng khách du lịch quốc tế và trong nước rất cao, mang lại doanh thu lên tới 620.000 tỉ đồng cho ngành du lịch. Hiện nay, cơ hội cho sinh viên học ngành du lịch rất lớn. Đây là ngành có sự giao thoa giữa kinh tế và xã hội nên thuận lợi cho thí sinh xét tuyển bằng nhiều tổ hợp khác nhau. Nhưng để làm tốt ngành du lịch, học viên buộc phải giỏi không phải một mà nhiều ngoại ngữ.
Thạc sĩ Bùi Văn Thời, cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết triển vọng khối ngành này phát triển rất mạnh. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2018 VN đón 15,5 triệu khách nước ngoài, trong nước đón 80 triệu lượt khách. Vì vậy, cần lực lượng lao động rất lớn để làm việc.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, cũng cho biết đây là ngành “công nghiệp không khói”. Cơ hội việc làm của khối ngành này cũng rất cao, đang ngày càng nóng dần, thí sinh cũng lựa chọn ngày càng đông. Năm 2018, tại trường, số thí sinh lựa chọn nhóm ngành này đạt 27 - 28% tổng số thí sinh, chỉ sau nhóm ngành quản trị 33%.
Theo tiến sĩ Lê Minh Thành, Phó trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Hoa Sen, tốc độ phát triển khối ngành này còn nhanh hơn tốc độ đào tạo. Trên nhiều diễn đàn, trong các buổi tư vấn đều có nhiều câu hỏi liên quan đến khối ngành này. Đến năm 2020 - 2025, xu hướng này chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục gia tăng.

Làm trong các lĩnh vực khác:

Tuy nhiên, tiến sĩ Thành cũng cho rằng phổ nghề nhóm ngành này rất rộng. Chẳng hạn khi học quản trị khách sạn có thể làm quản trị sự kiện, truyền thông… Có sinh viên dùng kiến thức dịch vụ khách sạn để làm trong các khu căn hộ cao cấp và có mức lương rất cao. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ có nhiều công việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên cần các năng lực tư duy biểu cảm, cảm xúc, tiếng Anh… Nhưng có những công việc nhân sự, truyền thông… lại cần những kỹ năng khác.

Trả lời câu hỏi của học sinh về việc học du lịch có làm được một số ngành như tổ chức sự kiện không, thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích chia sẻ về một câu chuyện thực tế. Sinh viên của trường khi vào thực tập tại khách sạn lại được giao làm tổ chức sự kiện. Sinh viên làm trong một bộ phận nhỏ nhưng cũng hình dung được công việc như thế nào. Vì vậy, nếu quan tâm tổ chức sự kiện, sinh viên học khối ngành này cũng có thể làm được nếu tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm.Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho rằng ngoài ngoại hình, làm hướng dẫn viên du lịch còn đòi hỏi luôn phải có trách nhiệm, đây là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên du lịch có nhiều lĩnh vực với nhiều vị trí như bán tour, chăm sóc khách hàng... và hướng dẫn chỉ là một công việc. Mỗi vị trí đòi hỏi những yếu tố khác nhau. Quan trọng là biết điểm yếu để tìm cách khắc phục, không được mới tìm hướng đi khác. Ngoài những mã ngành đào tạo chính thức về du lịch, thì có thể chọn một số ngành có sự giao thoa như VN học, Đông phương học, ngôn ngữ… đều có thể ứng dụng trong công việc liên quan đến du lịch.

Thạc sĩ Phương cũng cho biết, sinh viên có thể tự khởi nghiệp, ví dụ đăng ký một công ty du lịch để tổ chức tour cho khách. Đây là một hướng đi hấp dẫn trong lĩnh vực du lịch hiện nay.

Theo: thanhnien.vn