Ngành Công tác xã hội đã và đang ngày càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của mình đối với sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của mỗi quốc gia và của cả nhân loại.
Tiếp nối thành công của sự phát triển ngành CTXH tại Việt Nam giai đoạn 2010-2020, ngày 22/1/2021,Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021 – 2030. Chương trình phấn đấu đến năm 2030 đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội,
Trường Đại học Khoa học - với vị thế là một trong 7 trường đại học thành viên của Đại học Thái nguyên, là đơn vị đầu tiên ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc được giao nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo ngành CTXH. Trong 12 năm phát triển, Nhà trường đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, đáp ứng tốt yêu cầu đào nhân lực ngành CTXH ở bậc đại học, quy mô đào tạo khoảng 350-400 sinh viên mỗi năm. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm gần hoặc đúng ngành được đào tạo khoảng 80%.
Với phương châm “Lấy chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra làm trung tâm”, trường ĐH Khoa học đã và đang tập trung mọi nguồn lực cho đào tạo các lớp cử nhân ngành Công tác xã hội. Chương trình đào tạo ngành CTXH của trường được thiết kế nhằm đảm bảo tính “Hội nhập – Sáng tạo - Thực tiễn - Đặc thù”. Nhà trường cũng xác định mục tiêu chung là đào tạo nguồn cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội, có bản lĩnh, năng động, chuyên nghiệp, hội nhập, có thể tác nghiệp độc lập, hiệu quả trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng như các dịch vụ trợ giúp tại cộng đồng, đặc biệt có kỹ năng thực hành nghề Công tác xã hội chuyên nghiệp.
Chương trình đào tạo luôn được cập nhật từng bước hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhà trường thường xuyên tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các bên liên quan gồm chuyên gia, nhà tuyển dụng, giảng viên các trường đào tạo CTXH, các cơ sở sử dụng nguồn nhân lực, sinh viên, cựu sinh viên, các cơ sở thực hành,… để đánh giá chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo được thiết kế đảm bảo đáp ứng yêu cầu 4 tiêu chí đánh giá về kiến thức, kỹ năng, thái độ và khả năng vận dụng vào nghề nghiệp. Cụ thể:
- Các môn học trong chương trình được bố trí đảm bảo đa dạng các học phần cơ sở và chuyên ngành, lý thuyết và thực hành. Khung chương trình đào tạo và đề cương bài giảng được thiết kế dựa trên cơ sở Thông tư số 10/2010/TT – BGDĐT ngày 22/3/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình khung giáo dục đại học ngành công tác xã hội trình độ đại học và cao đẳng; Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 19/8/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ ban hành quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội; đồng thời có sự tham khảo các chương trình đào tạo công tác xã hội của một số cơ sở đào tạo chuyên ngành công tác xã hội trong và ngoài nước..
- Cấu trúc chương trình gồm 135 tín chỉ, các học phần được thiết kế đảm bảo lượng kiến thức và kỹ năng của công tác xã hội áp dụng đối với nhiều đối tượng yếu thế, bao gồm cá nhân, nhóm và cộng đồng.
Với mục tiêu đào tạo nhân lực CTXH có thể thực hiện việc cung ứng dịch vụ CTXH ở nhiều vị trí việc làm khác nhau, nhà trường luôn xác định thực hành CTXH là một phần quan trọng trong khối kiến thức chuyên ngành của chương trình đào tạo CTXH. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế quốc tế khi Hiệp hội nghề CTXH Asean cũng đang hướng tới xây dựng tiêu chuẩn chung trong chương trình đào tạo, cũng như tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ phương pháp, quy trình để đánh giá kết quả của đào tạo thực hành, trong đó đào tạo thực hành cần tăng lên khoảng 750 - 1.110 giờ. Để đảm bảo tính “Thực tiễn” chương trình đào tạo được thiết kế gồm 03 học phần thực hành và 01 học phần thực tập với thời lượng chiếm 15% thời lượng đào tạo Với thiết kế này, sinh viên được tiếp cận chuyên ngành từ năm học thứ nhất và bắt đầu đi thực hành từ năm học thứ 2. Với phương châm đó, bộ môn CTXH, trường ĐH Khoa học Thái Nguyên đã thiết lập hệ thống mạng lưới các cơ sở thực hành, thực tập có chất lượng và phong phú về lĩnh vực hoạt động. Hiện nay, bộ môn CTXH đã thiết lập quan hệ hợp tác trong đào tạo thực hành với các cơ sở như: Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên; Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh Thái Nguyên; Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên; Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Thái Nguyên; Trung tâm tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên; Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Hường Nguyệt (Đồng Hỷ - Thái Nguyên); UBND các huyện, xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang; Các trường học trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận; Các phòng CTXH bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A Thái Nguyên, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thái Nguyên,…
Giáo dục đại học trong nước đang có những chuyển biến nhanh theo tốc độ biến đổi không ngừng của xu thế thời đại với những vận hội mới, thời cơ và thách thức mới - một mặt tạo điều kiện để các trường phát huy năng lực của mình, mặt khác, các trường sẽ phải khẳng định vị thế đào tạo của mình. Chính vì vậy, trường ĐH Khoa học Thái Nguyên đã xác định xây dựng một chương trình đào tạo đảm bảo những yêu cầu chung đối với đào tạo ngành Công tác xã hội, nhưng bên cạnh đó phải đảm bảo tính “Đặc thù”. Với sứ mệnh đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực CTXH chất lượng cao cho khu vực trung du miền núi phía Bắc và trên cả nước, chương trình đào tạo ngành CTXH của trường ĐH Khoa học Thái Nguyên nhấn mạnh đến một số học phần đặc trưng sau:
- CTXH với cá nhân và mô hình quản lý trường hợp; CTXH với nhóm; CTXH với tổ chức và phát triển cộng đồng; CTXH với người nghèò; CTXH với dân tộc thiểu số; CTXH trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần; CTXH trong bệnh viện; CTXH trong trường học; CTXH với các nhóm xã hội yếu thế; CTXH với trẻ tự kỷ, tăng động, chậm phát triển; Tham vấn/tư vấn học đường.
Để có chương trình đào tạo này, trong khi xây dựng chương trình, nhà trường đã mời các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, cán bộ giảng dạy giàu kinh nghiệm, cán bộ được đào tạo ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy trong và ngoài trường, các cán bộ đang công tác tại các cơ sở, các cơ quan, tổ chức liên quan tham gia phản biện và đóng góp ý kiến. Với trí tuệ và sự tham gia tích cực đó, chương trình đào tạo không xa rời thực tiễn sinh động của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng đến việc xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hành của sinh viên. Ngoài mục đích xác định được năng lực của sinh viên so với kết quả đầu ra của chương trình, việc đánh giá còn là nền tảng, cơ sở cho việc hiểu đúng về thực hành nghề nghiệp chuyên môn sau này của sinh viên. Đánh giá đúng là động lực thúc đẩy việc học tập của sinh viên, tạo sự cam kết nghề nghiệp trong tương lai cho sinh viên, đồng thời là cơ hội cho giảng viên, người hướng dẫn được trải nghiệm các giá trị đạo đức nghề nghiệp một cách thực tế. Chính vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng đào tạo Nhà trường, bộ môn CTXH đã thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, seminar chia sẻ kinh nghiệm, lấy ý kiến từ người học và cơ sở thực hành để đưa ra được phương pháp, tiêu chí đánh giá quá trình thực hành của sinh viên một cách phù hợp nhất và bàn luận về thực tiễn triển khai thực hành, thực tập cho sinh viên, những thuận lợi, hạn chế trong công tác triển khai và đề xuất giải pháp khắc phục.
Chu Trang