Số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017 giảm
Dự kiến ban đầu của Bộ GD&ĐT, năm 2017 sẽ có 955.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, nhưng thực tế số liệu cập nhật đến 17h ngày 20/4 cho thấy tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ ở mức 860.000.
Dù việc cập nhật dữ liệu vẫn tiếp tục tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng số thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ khó cán mốc 900.000.
Giải thích về sự sụt giảm thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, số thí sinh đăng ký dự thi giảm chủ yếu nhằm ở nhóm thí sinh tự do. Nguyên nhân có thể do thí sinh tự do đã tìm được công việc phù hợp, không còn nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp nữa.
Cũng theo Thứ trưởng Ga, dự báo tổng số thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay chỉ đạt khoảng 870.000 – 880.000 thí sinh, giảm đến 70.000 – 80.000 thí sinh so với dự kiến ban đầu.
Số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH – CĐ tăng mạnh
Tính đến hết 20/4 cả nước có khỏng 860.000 thí sinh đăng kí dự thi; trong đó thí sinh đăng kí xét tuyển là 643,151 (74.8%); thí sinh tự do là 79,714 (9.27%).
Như vậy, năm 2017, có tới 75% số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH – CĐ, tăng hơn 40.000 thí sinh so với năm ngoái. Trong khi đó, cả nước chỉ có khoảng 390.000 chỉ tiêu vào các trường đại học, giảm 30.000 chỉ tiêu so với năm 2016.
Như vậy, số thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia giảm nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển lại tăng trong khi chỉ tiêu các trường giới hạn, dự báo các thí sinh sẽ phải cạnh tranh hết sức khốc liệt.
Bài thi Khoa học xã hội bất ngờ áp đảo
Nếu như mọi năm, tâm lý chọn môn thi trùng với môn xét tuyển ĐH khiến thí sinh “lạnh nhạt” với các môn xã hội thì năm nay lại hoàn toàn ngược lại. Thống kê cho thấy có 417,334 (chiếm 48.54%) số thí sinh đăng kí chọn bài thi Khoa học xã hội.
Trong khi đó, số thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên là 321,451 (chiếm 37.39%). Số thí sinh đăng ký cả 2 bài thi là 71,046 (chiếm 8.26%).
Nguyên nhân khiến bài thi Khoa học xã hội năm nay thắng thế được cho là do chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, thí sinh dễ kiếm điểm hơn. Vì vậy, thí sinh chọn bài thi này với mục đích xét tốt nghiệp trước, xét tuyển ĐH – CĐ sau.
Số lượng nguyện vọng tăng vọt
Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Tuy nhiên, với hơn 2 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, trung bình mỗi thí sinh đăng ký 4-5 nguyện vọng. Số lượng các NV xét tuyển cụ thể như sau:
NV1: 620.260 (100%),
NV2: 537.054 (86,59%),
NV3: 433.612 (69,91%),
NV4: 312.035 (50,31%),
NV5: 214.288 (34,55%),
NV còn lại: 368.320 (59,38%).
Đáng chú ý, mùa đăng ký xét tuyển năm nay, vẫn có đến hơn 80.000 thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng 1 mà không sử dụng đến nguyện vọng 2. Bên cạnh đó, vẫn xuất hiện thí sinh đăng ký đến 20-30 nguyện vọng khác nhau vào các ngành, trường.
Khối thi tuyển thống vẫn được ưa chuộng
Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, các tổ hợp xét tuyển truyền thống (khối A, A1, B, C, D1 cũ) vẫn chiếm tỷ lệ thí sinh đăng ký cao nhất (trên 80% số NV).
Trong đó, khối A (Toán – Vật lý – Hóa học) được lựa chọn nhiều nhất, chiếm 1/3 tổng số NV đăng ký vào các trường.
Tiếp đến là khối D1 (Toán – Ngữ văn – tiếng Anh), khối C (Ngữ văn – Lịch sử – Địa lý), khối A1 (Toán – Vật lý – tiếng Anh), khối B (Toán – Hóa học – Sinh học). Tổ hợp Văn – Sử – Địa cũng đạt khoảng 15% lượng đăng ký, cao hơn các năm trước.
Trong số những tổ hợp xét tuyển mới, đứng đầu về lượng đăng ký là tổ hợp C3 (Ngữ văn – Toán – Lịch sử), tiếp đến là các tổ hợp C4 (Ngữ văn – Toán – Địa lý), C1 (Ngữ văn – Toán – Vật lý), D14 (Ngữ văn – Lịch sử – tiếng Anh).
Theo: lop12.edu.vn