Khoa học Địa lí có khả năng cung cấp cho người học một khối lượng tri thức phong phú về tự nhiên, kinh tế - xã hội và những kỹ năng, kỹ xảo, thái độ làm việc. Những kiến thức Địa lí bao gồm các kiến thức lí thuyết và kiến thức thực tiễn. Khối kiến thức Địa lí lý thuyết bao gồm các khái niệm địa lí, các mối quan hệ nhân quả, các quy luật, các thuyết, các tư tưởng, các kiến thức về phương pháp học tập và nghiên cứu,… Kiến thức thực tiễn (hay kinh nghiệm) là những kiến thức phản ánh những đặc điểm bên ngoài, hiện hữu của các sự vật hiện tượng địa lí. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, bộ môn Địa lí luôn chú trọng đào tạo ra những cử nhân Địa lí biết gắn kết kiến thức lí thuyết với kiến thức thực tiễn.
Xuất phát từ mục đích đảm bảo sự gắn kết lí thuyết với thực tiễn, trong quá trình dạy và học Địa lí ở trường Đại học Khoa học, bộ môn Địa lí - khoa Khoa học Môi trường và Trái Đất đã thường xuyên tổ chức nhiều buổi học thực hành, môn học thực địa giúp sinh viên lĩnh hội tri thức. Để giúp cho sinh viên nắm chắc được những tri thức về địa lí, địa lí tự nhiên như sự hình thành, phân hóa khí hậu, hay đặc điểm địa chất, địa hình, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật của các khu vực lãnh thổ, hàng năm bộ môn đã tổ chức cho sinh viên đi thực tế ở các địa điểm có những đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn điển hình. Đó là các chuyến đi thực tế đến Vườn Quốc Gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn và khu vực TP. Lào Cai – Sa Pa, tỉnh Lào Cai vào năm học thứ năm học thứ 3 và năm cuối đại học.
Qua chuyến khảo sát thực tế tại Vườn Quốc Gia Ba Bể, sinh viên đã hiểu rõ hơn bản chất cấu tạo, quá trình hình thành địa chất, các dạng địa hình, đặc điểm khí hậu, thủy văn, tài nguyên sinh vật, đặc điểm dân cư, dân tộc, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên,… hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, bản sắc văn hóa, tri thức bản địa của địa phương.
Để giúp cho sinh viên có cái nhìn toàn diện về các mối quan hệ địa lí, chuyến thực địa ở TP. Lào Cai - Sa Pa giúp sinh viên lĩnh hội, củng cố và hoàn thiện kiến thức lý thuyết. Học phần thực tiễn này không chỉ giúp sinh viên nắm được đặc điểm các thành phần tự nhiên, sự phân hóa của thiên nhiên Việt Nam mà còn giúp sinh viên nắm rõ các quy luật tự nhiên, mối quan hệ biện chứng giữa các thành phần tự nhiên và sự hình thành cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Sinh viên dường như thấy được sự phân hóa trong nội tại cảnh quan, biết phân chia các đơn vị cảnh quan phục vụ ứng dụng trong nghiên cứu thực tiễn và xây dựng mô hình kinh tế. Chuyến học tập thực tế còn giúp sinh viên hiểu hơn các vấn đề về dân cư, dân tộc, tập quán canh tác cư dân khu vực. Bên cạnh thực hành các kiến thức tự nhiên, sinh viên được tham gia học tập, trải nghiệm, nghiên cứu đặc điểm tài nguyên, tình hình khai thác, chế biến khoáng sản (tại mỏ Apatit Cam Đường, mỏ đồng Sin Quyền - Lào Cai), nghiên cứu các ngành kinh tế, kinh tế cửa khẩu và kinh tế du lịch của Lào Cai.
Cuối mỗi khóa học, Sinh viên ngành Địa lý được cử đến các cơ quan, trường học để tham gia hoạt động thực tập nghề nghiệp (thực tập tốt nghiệp) tại nhiều địa phương và các cơ quan, ban, ngành. Trong khoảng thời gian này, các bạn sinh viên có cơ hội làm việc như những cán bộ chuyên tâm tại các trường học; các phòng, ban của Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường…; các phòng: Phòng nông nghiệp, phòng tài nguyên và môi trường, Phòng văn hóa của huyện; làm việc tại các Ủy ban xã, phường; các công ty đo đạc địa chính, công ty du lịch…
Những chuyến đi thực tế chuyên môn, đợt thực tập tốt nghiệp giúp sinh viên không chỉ nắm vững các tri thức lí thuyết địa lí mà còn củng cố kiến thức về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán,… các hoạt động kinh tế của vùng. Từ đó, sinh viên vận dụng kiến thức vào cuộc sống, vào hoạt động nghề nghiệp, có thái độ đúng trong công việc, đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước. Các chuyến đi thực địa, thực tập tốt nghiệp còn bồi dưỡng cho sinh viên tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đây chính là cơ sở vững chắc trong quá trình lao động, công tác sau này của mỗi bạn sinh viên đồng thời là điều kiện phát huy tính độc lập, tự tin trong học tập, năng lực tự nghiên cứu của mỗi cử nhân ngành Địa lý tự nhiên.
ThS. Dương Kim Giao – Bộ môn Địa lí