CỬ NHÂN VĂN HỌC: SỐNG KHỎE VỚI NGHỀ
Cử nhân Văn học, sư phạm Ngữ Văn – nghề cầm bút, giảng Văn đã có hàng thế kỷ đứng trên học đài với tư cách là một trong những nghề quan trọng nhất của xã hội. Nhưng trước xu hướng hiện đại, khi các ngành đào tạo thực tiễn chiếm ưu thế, các trào lưu chọn nghề theo “mốt” ào ạt nảy sinh thì nhiều bậc phụ huynh, học sinh tỏ ra băn khoăn trước những ngành học cơ bản như Ngữ văn bởi nỗi lo rất thực: Học xong để làm gì?

Học Văn để làm gì?

Phải khẳng định rằng, trước thực trạng cử nhân thất nghiệp và thiếu việc làm ngày một gia tăng thì sự quan tâm đến cơ hội xin việc ngay từ khi đặt bút viết vào tờ giấy đăng ký chọn trường là hoàn toàn sáng suốt. Vấn đề này thậm chí còn khiến các tân sinh viên nhấp nhổm đứng núi này trông núi khác trong suốt mấy kỳ học. Ở hầu hết các trường chuyên nghiệp, sau một hay vài kỳ học đầu tiên, sinh viên sẽ dần rơi rụng khi họ lo ngại trước tương lai sau tốt nghiệp hay nghe ai đó nói về một ngành khác rộng mở hơn. Nhiều sinh viên ngành Cử nhân văn học cùng chung nỗi lo lắng: sau tốt nghiệp mình sẽ làm gì? sinh viên sư phạm Ngữ văn xin đi dạy đã trày trật, cử nhân Văn học có lẽ lại càng khó khăn hơn? Một xã, một huyện, một tỉnh liệu có mấy nhà văn? Có mấy viện nghiên cứu văn học cho ta lập thân với con đường nghiên bút?

Có một thực tế là hầu hết chúng ta đều ngầm định tư duy: học Văn là để dạy Văn, viết văn, nghiên cứu văn học – những nghề rất khó xin và không thực tế. Chúng ta bi quan cho rằng, học những ngành khoa học cơ bản như Ngữ Văn, Lịch Sử thì sau chỉ có con đường vào cơ quan nhà nước, mà cuộc chạy đua ấy quá đỗi gian nan… Nhưng sự thật không hẳn như vậy. Xã hội hiện đại đang từng ngày mở cửa với mọi ngành nghề miễn là bạn có kỹ năng và ý tưởng, không loại trừ những ngành tưởng như rất phù du, mơ mộng.

Văn chương: nghiệp cũ, nghề mới

Học văn không phải chỉ để nghiên cứu tác phẩm, để sống với thế giới của thi ca, để nghiên cứu cái hay, cái đẹp trong tác phẩm thi hào này, văn sĩ khác. Một trong những mục tiêu hướng đến quan trọng nhất của ngành học này là đào tạo kỹ năng lập ngôn, nghĩa là rèn cách biểu đạt bằng ngôn ngữ sao cho logic, khoa học, chuẩn mực và thẩm mĩ. Trong thời đại hiện nay, kỹ năng ấy vô cùng cần thiết và là nền tảng thành công của rất nhiều lĩnh vực. Một doanh nhân giỏi, một nhà ngoại giao muốn xây dựng hình ảnh bản thân sẽ bắt đầu bằng những bài diễn thuyết. Một doanh nghiệp không thể không cần đến chiêu thức PR với lời hay ý đẹp về định hướng kinh doanh của mình. Những cuốn sách hay, những sản phẩm tốt cần lắm những người viết để lăng xê, quảng cáo. Giản dị, gần gũi hơn, trong các hoạt động của hầu hết các cơ quan, tổ chức, đều có những phần việc dính với sự viết lách như xây dựng cổng thông tin điện tử, viết diễn văn, kịch bản, lời dẫn chương trình, giao lưu văn hóa văn nghệ…

Những con số dù có ưu thế đến đâu giữa thời đại công nghệ thì sự biểu đạt ngôn ngữ thông minh vẫn là liều thuốc quý. Copywriter, content marketing, nghề viết dạo, nghề viết tự do… là những khái niệm đang hình thành mạnh mẽ và chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó ở nhiều quốc gia, nhiều thành phố lớn. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Môi trường tác nghiệp phổ biến nhất cho dân “viết dạo” chính là các công ty truyền thông, doanh nghiệp, nhà xuất bản… Ở đó, nhiệm vụ của họ là phát triển nội dung cho các trang web, thư ngỏ bán hàng, xây dựng bài báo PR cho ấn phẩm (sách, truyện, e-book), tác phẩm nghệ thuật (phim ảnh, hội họa, âm nhạc…) hay nhiều sản phẩm thương mại khác. Sản phẩm của một “copywriter” rất đa dạng, như: nội dung web, bài báo, kịch bản quảng cáo, tựa đề, slogan, khẩu hiệu, diễn văn, thuyết trình, thư quảng cáo/bán hàng, thư thoại, tờ rơi, status chào hàng trên mạng xã hội… Ở đó, người viết phải dùng ngòi bút thần kỳ của mình để hấp dẫn được người đọc, tăng lượt tiếp cận thương hiệu, tạo ra ấn tượng với khách hàng…

Là một dạng “freelance” (công việc tự do), nghề viết quảng cáo không chỉ đem lại thu nhập, tận dụng được thời gian rảnh rỗi mà còn thỏa mãn niềm say mê của dân văn bởi đó thực sự là nghề của tự do và sáng tạo. Từ một “con mọt sách”, bạn Nguyễn Thị Hậu (Kiến Thụy, Hải Phòng) bén duyên với nghề viết lời tựa sách cho các nhà xuất bản. Công việc cho Hậu niềm vui được đọc sách mỗi ngày và mức thu nhập không nhỏ căn cứ vào lượt tiếp cận của bài viết. “Mình làm nghề tự do, nếu một cuốn sách mình không thể cảm thụ, có thể hoàn toàn từ chối đơn đặt hàng của nhà xuất bản. Bên cạnh sự thoải mái ấy, áp lực công việc cũng rất lớn. Văn mình vợ người! Mà nghề này là làm dâu trăm họ, nên chuyện khen chê, viết rồi lại bỏ là điều không thể tránh” – một copywriter khác chia sẻ.

Nếu như nghề viết quảng cáo liên quan nhiều đến kỹ năng truyền thông, thương mại, SEO… thì còn có những công việc khác thiên về viết văn truyền thống. Hiện nay, không ít nhà xuất bản có nhu cầu đặt hàng viết truyện theo yêu cầu khách hàng với các chủ đề đa dạng: lịch sử, giáo dục, văn hóa, ngôn tình…Nhiều đạo diễn trẻ muốn thuê người làm kịch bản phim ngắn. Không ít người cần hỗ trợ để hoàn thành hồi ký, tự truyện hay đơn giản hơn là cần người sửa bản bông cho một cuốn sách sắp ra lò… Tất cả đều là cánh đồng rộng cho người làm nghề văn cày xới, để có thể thỏa mãn đam mê và vẫn có thu nhập trong một môi trường làm việc chân chính và chuyên nghiệp.

Để đến với nghề

Xây dựng thương hiệu cho người khác, nhưng phải làm sao để “xây dựng thương hiệu” cho mình, nghĩa là làm thế nào để có thể trở thành một người viết có tiếng? Internet chính là cầu nối hiệu quả nhất. Tìm kiếm trên các trang web, mạng xã hội, bạn sẽ thấy nhiều công ty tuyển người làm content marketing hay viết lời tựa cho sách, sáng tạo kịch bản… Bạn cũng có thể qua kênh thông tin này để quảng cáo cho chính mình hay lập ra các câu lạc bộ, nhóm viết chuyên nghiệp để dễ dàng hơn cho việc gây dựng uy tín. Khi đó, vô vàn các công việc gắn với nghiệp viết sẽ gõ cửa. Bạn Hậu - nhân vật chúng tôi nhắc đến bên trên - đến với nghề một cách tình cờ. Vốn thích đọc, thích viết, Hậu tham gia rất nhiều cuộc thi viết văn trên báo điện tử. Không phải cuộc thi nào cũng mang đến giải thưởng cho bạn nhưng đó lại là “bà mối” để các nhà xuất bản phát hiện ra cây bút giàu tiềm năng này, giữ chân Hậu với nghề viết suốt 5 năm nay. Trong số hàng trăm sinh viên đã tốt nghiệp ngành Văn trường ĐH Khoa học, cũng có không ít bạn trẻ sống khỏe với nghề viết tự do, tiêu biểu nhất là trường hợp cựu sinh viên Nguyễn Thị Lệ Trang (lớp Văn K10). Ngay từ khi còn là sinh viên, Trang đã miệt mài nghiên cứu cơ hội việc làm gắn với kỹ năng viết lách. Kết quả là trước khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp, bạn đã trở thành cộng tác viên cho các doanh nghiệp, công ty truyền thông với mảng việc chính là viết lời quảng cáo. Sau khi ra trường 2 năm, cô cử nhân Văn học trở thành nhân viên chính thức của Đài phát thanh huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tuy vậy, Lệ Trang vẫn mong muốn được tiếp tục sống với nghề viết tự do và tỏ ra đầy tâm huyết khi được trò chuyện về công việc ấy. Qua lời kể của Trang, chúng tôi còn được biết đến nhiều con đường “mưu sinh” rất hấp dẫn dành cho những người thích viết lách: cộng tác viên cho báo điện tử, hợp tác với dân du lịch, MC, cửa hàng cho thuê trang phục để nhận đơn đặt hàng viết bài thuyết minh, lời dẫn, kịch bản chương trình. Ở các thành phố, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu quan tâm đến việc rèn kỹ năng sống cho con bằng cách tìm gia sư đọc sách, hướng dẫn trẻ nói và viết chuẩn mực. Thậm chí, việc tạo dựng một Blog có tiếng  cũng là cách hiệu quả để kiếm tiền “khủng” từ các công ty quảng cáo.

Cái đích cuối cùng của việc học chuyên nghiệp chính là có một nghề chân chính để mưu sinh. Vì thế, chuyện chọn nghề “dễ xin”, trăn trở với ngành “không hot” là tâm lý dễ hiểu. Dẫu vậy hãy tin, cơ hội luôn ở trong tay, nếu ta yêu nghề và có những kỹ năng thực thụ. Câu chuyện về những người “sống khỏe với nghề Văn” là minh chứng cho điều đó.

Bích Hồng - cô cán bộ trẻ Báo Văn nghệ Thái Nguyên trưởng thành từ Khoa Văn - XH trường Đại học Khoa học

Ngay trước khi tốt nghiệp, Lệ Trang (Văn - K10) đã có thể tự lập với kỹ năng viết

ừ một nữ sinh Văn khoa yêu sáng tác, Trịnh Thị Thứ (cựu sinh viên Văn K9) trở thành Hội viên Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh rồi tìm được công việc chính thức tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Với tình yêu sách, Hậu đã trở thành cây bút viết tự do có tiếng, dẫu xuất phát điểm của bạn là dân Kinh tế

Gv Suối Linh