Thầy Tiến Minh đề xuất do đề thi có hai mục đích là xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học nên cần có nhiều hơn những câu thật dễ (khoảng 15-20 câu) để thuận lợi cho việc xét tốt nghiệp. Điều này cũng giúp giáo viên có định hướng tốt hơn trong việc ôn thi giai đoạn nước rút.
Theo giảng viên này, học sinh cũng gặp khó khăn khi phần lớn quen với cách làm Toán theo hình thức tự luận. Nhiều em chưa có kỹ năng tính toán nhanh. Tuy nhiên, hình thức thi trắc nghiệm giúp thí sinh tránh nguy cơ bị điểm liệt.
Hóa học: Giảm số lượng câu khó
Hoàng Đình Quang – á khoa ĐH Ngoại thương, giáo viên dạy Hóa học online, nhận định: Đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó với thời gian làm bài hợp lý, không có nhiều câu đánh đố học sinh. Đề bám sát chương trình trong SGK.
Với đề thi này, học sinh có năng lực trung bình sẽ đạt 5 điểm, nắm chắc kiến thức đạt 8 điểm và năng lực xuất sắc đạt trên 9 điểm.
Theo Quang, đề thi đạt được kỳ vọng khi không quá nặng nề về mặt tính toán như trong 2 đề minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố trước đó. Đề thi tham khảo vừa sức hơn, khai thác tốt mức độ hiểu kiến thức của học sinh.
Với môn Hóa học, mức độ câu khó giảm xuống nhưng đồng thời sức ép khi làm bài thi cũng tăng lên. Vì vậy, đề yêu cầu học sinh phải hiểu sâu vấn đề mới làm được chính xác, nếu làm ẩu sẽ dẫn đến kết quả thấp.
Vật lý: ‘Bẫy’ ở câu dễ
Theo thầy Chu Văn Biên, giảng viên ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa, đề thi Vật lý đạt được mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, giúp học sinh tiết kiệm thời gian làm bài và lượng được sức mình. Tuy nhiên, học sinh nên chú ý bởi một số câu dễ được cài “bẫy” một cách khéo léo (ví dụ câu 11, 18 và 34…). Vì vậy, các em phải học kỹ SGK và làm nhiều bài thi thử mới có thể tránh được.
Thầy Biên cho rằng các câu phân loại trong đề thi khá quen thuộc nên học sinh nắm chắc kiến thức có thể đạt điểm tối đa. Đề thi phù hợp thời lượng 50 phút cho 40 câu.
Ngữ văn: Thất vọng vì câu nghị luận văn học
Theo TS Phạm Hữu Cường, đề thi tham khảo môn Ngữ văn chủ yếu nằm trong SGK, phần ngữ liệu đọc hiểu và câu viết đoạn văn nghị luận văn học nằm ngoài chương trình học.
Nhìn chung, đề đảm bảo được yêu cầu xét tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, mức độ phân hóa của đề thi chưa cao. Các câu hỏi nghiêng về các vấn đề truyền thống, hầu như không đề cập vấn đề mang tính thời sự.
Cụ thể, ở phần Đọc hiểu, so với các đề trước, đề thi tham khảo không còn đề cập việc nhận biết phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận… mà yêu cầu nhận biết cách trình bày ý trong đoạn văn.
Câu 1, câu 2 của phần Đọc hiểu khá đơn giản. Câu 3 và câu 4 ít nhiều đòi hỏi học sinh phải có suy nghĩ riêng nên có khả năng phân hóa trình độ thí sinh.
Phần Làm văn và câu viết đoạn văn nghị luận xã hội khá hay, có thể coi là câu hay nhất trong đề, đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ thực sự. Câu hỏi này cũng có ý nghĩa thiết thực với tuổi trẻ, vì nhiều bạn trẻ hiện nay không tìm thấy niềm đam mê thực sự của chính mình.
Câu nghị luận văn học gây thất vọng nhất trong đề này. Hai ý kiến cần bình luận trong đề khá đơn giản, chưa khái quát được nét đặc sắc của nhân vật. Cách dùng từ “đầy khao khát” để nói về Tràng chưa thực cụ thể và chính xác.
Theo TS Phạm Hữu Cường, để làm tốt đề thi THPT quốc gia trong thời gian tới, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình Ngữ văn 12, làm tốt các kiểu bài đọc hiểu và viết đoạn nghị luận xã hội, cũng như 4 kiểu bài nghị luận văn học: Phân tích/cảm nhận văn học, chứng minh văn học, bình luận văn học và so sánh văn học.
Tiếng Anh: Thất vọng vì… dễ
Cô Vũ Mai Phương, giáo viên dạy tiếng Anh online, cho rằng đề thi tham khảo THPT quốc gia không quá khó với học sinh. Các câu hỏi dàn trải theo các mức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Để đạt được 5 điểm học sinh chỉ cần học chắc trong SGK.
Nội dung vận dụng cao nằm ở dạng bài đọc hiểu, số câu hỏi vận dụng, vận dụng cao khoảng 15 câu, chiếm 30% câu hỏi trong đề. Vì thế, đề thi đảm bảo yếu tố phân loại học sinh để tuyển sinh đại học.
Là giáo viên chuyên luyện đề thi khối D, cô Mai Phương cho rằng đề thi tham khảo môn tiếng Anh với mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học dễ hơn so với các kỳ thi tách biệt trước đó. Xã hội ngày càng yêu cầu cao hơn với môn ngoại ngữ, nên đề thi dễ lại làm cô Mai Phương khá thất vọng.
Theo Zing.vn