1. Môn lịch sử không phải nhớ máy móc số liệu
Nhận xét về đề thi tham khảo môn lịch sử, cô Đặng Ngọc Tú, Tổ trưởng Lịch sử, Trường THPT Kim Liên, Hà Nội cho biết, đề thi được phân thành 2 phần rõ rệt.
Phần thứ nhất gồm 24 câu đầu, nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản, trong đó có 12 câu ở mức “nhận biết” (câu dễ) và 12 câu ở mức “thông hiểu” (tương đối dễ), chiếm khoảng 60% tổng số câu trong đề thi. Với phần này, học sinh có học lực trung bình và trung bình khá đều có thể dễ dàng hoàn thành và đạt điểm tối đa là 6/10, phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT. Với những thí sinh khá, giỏi có thể hoàn thành phần này trong thời gian không quá 20 phút.
Phần thứ hai gồm 16 câu còn lại là những câu hỏi có tính phân loại, đòi hỏi khả năng vận dụng (tương đối khó) và vận dụng cao (khó), phục vụ cho việc xét tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng. Tuy nhiên, những câu vận dụng cao chỉ chiếm 10% (4 câu), tương đương 1/10 điểm.
Như vậy, một học sinh khá có thể đạt được điểm tối đa là 9/10. Một điểm còn lại sẽ dành cho học sinh giỏi. Cả 40 câu đều nằm trong chương trình lịch sử 12, không có câu nào nằm trong phần giảm tải.
Những phần kiến thức có sự chênh lệch giữa lịch sử 12 và lịch sử 12 nâng cao đều được xử lý, chỉ hỏi phần chung giữa hai chương trình. Một học sinh theo học bình thường, không cần phải đi học thêm, đều có thể đạt kết quả mong muốn. Học sinh chỉ cần có những hiểu biết cơ bản về kiến thức và biết lý giải đơn giản là có thể trả lời được các câu hỏi này.
Đáng lưu ý, đề thi không có câu nào bắt học sinh phải nhớ máy móc các số liệu, ngày, tháng. Điều đó có nghĩa là, học sinh không phải học vẹt, nhớ nguyên văn từng chữ, từng chi tiết như sách giáo khoa, nhưng vẫn đạt kết quả tốt. Các câu của đề thi phủ kín chương trình, nằm trong tất cả các chương. Điều đó tránh cho người học tâm lý phải lo học tủ, học lệch; tránh được tình trạng lo lắng rằng người khác thì “trúng tủ” còn mình thì không.
Một điểm nữa, theo cô Đặng Ngọc Tú, có thể ghi nhận ở đề thi tham khảo lần này là đề thi phân loại được trình độ của thí sinh. Những câu ở mức vận dụng và vận dụng cao, nhằm đánh giá năng lực tư duy (nhất là tư duy ngôn ngữ, tư duy so sánh, tư duy lôgic, tư duy hệ thống, tư duy phân tích tổng hợp…). Để làm tốt những câu này, thí sinh cần dành thời gian tự giải trình trong tư duy để có thể loại bỏ những phương án không phù hợp và lựa chọn phương án đúng. Thí sinh hoàn toàn yên tâm rằng môn lịch sử không phải là môn học “chỉ cần thuộc lòng” như một số người nhầm tưởng”, cô Tú cho biết.
2. Môn địa lý có những câu yêu cầu liên hệ kiến thức thực tế
Với đề tham khảo môn Địa lý, thầy Nguyễn Xuân Năng, trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh đánh giá, đề tham khảo bao gồm cả câu hỏi lý thuyết và thực hành, trong đó phần lý thuyết 30 câu, phần thực hành 10 câu (kĩ năng đọc Atlat địa lí Việt Nam, phân tích bảng số liệu).
Bên cạnh các câu hỏi sách giáo khoa, đề thi có một số câu hỏi yêu cầu học sinh liên hệ, vận dụng kiến thức thực tế hoặc vận dụng kiến thức địa lí để giải quyết các vấn đề thực tế.
Nội dung đề thi nằm trong phạm vi chương trình môn Địa lý lớp 12 THPT, không có câu hỏi nào vào phần giảm tải, phần còn tranh luận chưa thống nhất, phần nằm ngoài chương trình.
Các câu hỏi vừa sức với học sinh, đảm bảo học sinh có học lực trung bình đều có thể làm được ở mức đạt 60% mức độ biết và hiểu. Có khoảng 40% câu ở mức cao hơn. Điều đó, chứng tỏ đề đã có sự phân hoá khá tốt và các câu hỏi có độ tin cậy và độ khó thích hợp.
Cũng theo thầy Năng, về cơ bản với thời lượng 40 câu trong thời gian 50 phút, cho sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam trong làm bài thi, đề thi tham khảo phù hợp với trình độ học lực của học sinh lớp 12 trong cả nước hiện nay. Các câu hỏi được sắp xếp trong đề thi môn địa lí 12 phân bố đều khắp trong chương trình, phù hợp với thời lượng chương trình từng đơn vị kiến thức, từ câu dễ đến câu khó theo 4 cấp độ (biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao), tạo cảm hứng cho các em làm bài thi bắt đầu từ những câu dễ (khoảng 14 câu ở mức biết, 10 câu ở mức hiểu).
BQT THIQUỐCGIA