Theo đó, phương thức tuyển sinh vừa làm vừa học VLVH (thường được biết tới với tên gọi "hệ tại chức" - PV) gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Cơ sở đào tạo quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh VLVH.
Đối tượng tham gia tuyển sinh VLVH được thực hiện theo quy định của quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy hiện hành.
Theo quy định mới, địa điểm đào tạo của ngành đào tạo VLVH là trụ sở của cơ sở đào tạo được kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định khi mở ngành đào tạo hệ chính quy đối với ngành tương ứng.
Trong trường hợp liên kết đào tạo VLVH và đặt lớp ở ngoài cơ sở đào tạo thì cơ sở đào tạo và các đơn vị liên quan phải thực hiện các quy định về liên kết đào tạo hiện hành.
Chương trình đào tạo VLVH có nội dung như chương trình đào tạo của ngành tương ứng theo hình thức đào tạo chính quy.
Quy chế cũng đặt ra các điều kiện tuyển sinh và yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo. Đó là cơ sở đào tạo được tuyển sinh, thực hiện chương trình đào tạo VLVH trình độ đại học đối với những ngành đã có quyết định cho phép mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ đại học và đã tổ chức đào tạo theo tín chỉ.
Đã công bố công khai Thông báo tuyển sinh VLVH trong đó nêu rõ phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh, địa điểm tổ chức tuyển sinh chậm nhất 3 tháng trước ngày tuyển sinh.
Đã xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo VLVH…
Theo quy định mới, thời gian tối đa người học được phép học không được vượt quá hai lần so với thời gian thiết kế của chương trình đào tạo VLVH.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017.
Ngân Anh - vietnamnet.vn