Với những quy định mới năm nay, việc khai hồ sơ “2 trong 1” này cần hết sức lưu ý để không gặp phải những sai sót có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Một mẫu hồ sơ nhưng nhiều đối tượng
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), dù chỉ có một mẫu hồ sơ đăng ký dự thi chung nhưng được áp dụng cho các đối tượng dự thi khác nhau. Tương ứng với mỗi đối tượng thí sinh (TS) sẽ có cách khai khác nhau, nếu không thực hiện đúng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi được xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển sau này.
TS đang học tại các trường phổ thông dự thi xét công nhận tốt nghiệp cần đánh dấu rõ vào mục đối tượng theo học chương trình THPT hay chương trình GDTX. Bởi hai đối tượng này dự thi các môn khác nhau, trong đó chương trình THPT dự thi 4 bài (gồm 3 bài bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ và một bài tự chọn trong số 2 bài tổ hợp), còn chương trình GDTX chỉ thi 3 bài (2 bài bắt buộc toán, văn và một bài tự chọn trong số 2 bài tổ hợp). Học sinh chương trình GDTX không bắt buộc dự thi môn ngoại ngữ khi xét công nhận tốt nghiệp nhưng nếu muốn sử dụng môn này để xét tuyển ĐH, CĐ thì không bị cấm.
Cũng theo ông Trần Văn Nghĩa, còn cần phân biệt TS là học sinh đang học lớp 12 tại trường THPT và TS tự do. Trong đó, TS đang học tại trường phổ thông chưa tốt nghiệp bắt buộc phải đăng ký dự thi cả bài tổ hợp. Còn TS tự do tùy theo mục đích dự thi được quyền chọn thi môn lẻ hoặc cả bài tổ hợp. “Riêng đối tượng TS tự do chưa tốt nghiệp có thể xảy ra trường hợp vừa đăng ký bảo lưu vừa đăng ký dự thi với cùng một môn thi. Cụ thể, những môn thi năm trước đủ điều kiện bảo lưu, nếu muốn bảo lưu để xét tốt nghiệp thì khai điểm kèm theo minh chứng. Tuy nhiên, TS này vẫn đăng ký dự thi môn đã xin bảo lưu để có kết quả xét tuyển năm nay”, ông Nghĩa lưu ý.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó trưởng ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, thì lưu ý mục số 9 trong hồ sơ rất quan trọng vì yêu cầu TS khai rõ việc có sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ hay không. “Nếu TS có mục đích xét tuyển nhưng không đánh dấu vào ô này thì TS sẽ không được quyền tham gia xét tuyển. Điểm này rất mới so với các năm trước đây khi quyền xét tuyển của TS sau khi dự thi được hiểu là đương nhiên”, ông Cường nói.
Những sai sót thường gặp
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, với điểm mới trong việc khai hồ sơ đăng ký dự thi năm nay, nhiều khả năng xảy ra việc TS trúng tuyển nhầm vào trường khác.
Ông Cường nói: “Hồ sơ năm nay không có mục ghi tên trường, chỉ ghi mã trường TS muốn xét tuyển vào. Trong khi đó thông tin mã trường rất dễ gây nhầm lẫn, chỉ cần chệch một ký tự trong mã này có thể sang một trường khác hoàn toàn. Chẳng hạn TS muốn xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thay vì ghi mã KSA mà ghi nhầm DHK thì chuyển sang Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế), nguyện vọng của TS hoàn toàn thay đổi”.
Không chỉ mã trường, trong mục đăng ký nguyện vọng xét tuyển còn yêu cầu TS khai mã tổ hợp xét tuyển. Theo ông Cường, tất cả hiện có 240 mã tổ hợp khác nhau, nếu TS không nhớ rõ mã tổ hợp thì có thể ghi rõ tên 3 môn trong tổ hợp xét tuyển vào mục này.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, lại chỉ ra rất nhiều lỗi TS thường gặp trong hồ sơ dự thi và xét tuyển các năm trước. Theo đó, sai sót gây khó khăn nhất với TS là nhầm lẫn hoặc thiếu môn thi. Chẳng hạn, TS muốn dự thi môn N1 (tiếng Anh) nhưng ghi nhầm thành N4 (tiếng Trung) hoặc muốn dự thi môn sinh nhưng không ghi vào phiếu. TS nhầm lẫn môn thi có thể giải quyết được bằng cách thay đổi phòng thi nếu phát hiện sớm nhưng thiếu môn thi thì không được dự thi.
Mã ngành và mã nhóm ngành cũng là thông số dễ dẫn đến sai sót khi hồ sơ năm nay chỉ yêu cầu khai mã thay vì ghi rõ tên ngành, nhóm ngành. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, khai sai mã ngành, nếu trúng tuyển, TS sẽ vào một ngành không mong muốn. Các thông tin này TS tham khảo chính xác trên website từng trường hoặc trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT.
Trúng tuyển “oan”, đậu thành rớt
Việc khai hồ sơ không đúng có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn nhưng chỉ được phát hiện ở thời điểm nhập học. Tiến sĩ Lê Chí Thông cho biết thực tế có những TS trúng tuyển vào trường nhưng không đủ điều kiện theo học, có thể dẫn đến buộc phải bỏ học. Điều này xảy ra khi TS đăng ký sai chương trình học nhưng khi làm thủ tục nhập học mới phát hiện ra và không còn cơ hội làm lại. Theo đó, thay vì chọn chương trình đại trà, TS đăng ký chương trình chất lượng cao nhưng thực tế không đáp ứng được yêu cầu đầu vào ngoại ngữ và học phí.
Còn thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng thực tế các năm trước có những TS rơi vào trường hợp đậu thành rớt do khai không đúng ưu tiên. Trong đó, sai sót thường gặp nhất là đối tượng ưu tiên dành cho con của người có công với cách mạng và diện ưu tiên khu vực theo hộ khẩu. Từ thông tin khai trong hồ sơ, các trường tiến hành xét trúng tuyển thay vì kiểm tra lại ở thời điểm chỉnh sửa hồ sơ như nhiều năm trước đây. Kết quả là, ở thời điểm làm thủ tục nhập học, sai sót này mới được phát hiện khi trường ĐH yêu cầu TS đối chiếu minh chứng.
Các chuyên gia cũng cho rằng dù được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng và điều chỉnh sau khi có kết quả thi nhưng TS nên cân nhắc ngay thời điểm đầu. Bởi TS chỉ có quyền điều chỉnh một lần bằng phiếu hoặc trực tuyến.
theo:Hà Ánh - thanhnien.vn