Một số thí sinh có thắc mắc, số chứng minh thư nhân dân (CMTND) của các em có 9 số trong khi mẫu đăng ký của Bộ GD&ĐT là 12 ô thì phải khai thế nào?
Chứng minh thư nhân dân: 9 số và 12 số
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đối với Chứng minh thư nhân dân (CMTND) mẫu cũ gồm 9 chữ số, thí sinh ghi 9 chữ số vào 9 ô cuối bên phải, ba ô đầu để trống. Đối với CMTND mẫu mới hoặc Thẻ căn cước công dân, thí sinh ghi đủ 12 chữ số vào các ô tương ứng.
Với kinh nghiệm 12 năm làm trong lĩnh vực tuyển sinh của ĐH Thủy lợi, ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo Đại học của trường, cho biết khi đăng ký dự thi, thí sinh cần lưu ý hồ sơ hết sức quan trọng. Cần khai đầy đủ họ tên, số CMTND. Vì số CMTND trên hệ thống là mặc định mã số của các em.
Mỗi em chỉ có một số CMTND. Phần mềm sẽ quản lý số CMTND của thí sinh chạy suốt từ đầu đến cuối, từ lúc đăng ký dự thi đến lúc nhận được giấy báo nhập học. Do đó, thí sinh cần khai đúng, khai đủ.
Thực tế, có những thí sinh có nhiều số CMTND. Để đảm bảo quyền lợi, tránh rắc rối, theo ông Thạc, thí sinh chỉ khai thống nhất một số CMTND duy nhất.
Học chương trình nào, thi chương trình đó
Điểm khác biệt nhất của kỳ thi THPT quốc gia năm nay đó là thí sinh tự do và thí sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ được xếp phòng thi riêng đối với bài thi tổ hợp.
Theo lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT, với thí sinh tự do, các em được chọn môn thi trong bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển ĐH, CĐ.
Với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên, bài thi tổ hợp khoa học xã hội chỉ có hai môn là Lịch sử và Địa lý vì môn Giáo dục công dân không có trong chương trình.
Chính vì vậy, theo ông Bùi Quang Thái, Phó phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội, khác với mọi năm, năm nay, thí sinh học hệ nào phải đăng ký thi đúng hệ đó.
“Những năm trước, thí sinh tự do học hệ THPT có thể đăng ký thi hệ GDTX nhưng năm nay, thí sinh phải đăng ký đúng hệ đã học”, ông Thái nhấn mạnh.
Cũng liên quan đăng ký dự thi, Bộ GD&ĐT hướng dẫn, ở mục 14 của phiếu đăng ký dự thi, đối với thí sinh hiện là học sinh lớp 12 (chưa tốt nghiệp) phải đăng ký bài thi tại điểm a (gồm các ô: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội).
Thí sinh không được phép chọn các môn thi thành phần ở điểm b. Tức là với thí sinh đang học lớp 12, chỉ đăng ký tại điểm a, không được đăng ký tại điểm b.
Thí sinh tự do, tùy theo mục đích và việc lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển ĐH, CĐ có thể chọn cả bài thi (điểm a) hoặc chỉ chọn một số môn thi thành phần (điểm b).
Trường hợp thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT có những môn thi (để xét tốt nghiệp) năm trước đủ điều kiện bảo lưu, nếu muốn bảo lưu bài thi/môn thi thành phần nào thì phải ghi điểm bài thi/môn thi đó ở mục 15.
Tuy nhiên, thí sinh vẫn có thể chọn bài thi/môn thi thành phần (đã xin bảo lưu) để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ năm nay.
Nhớ đăng ký xét tốt nghiệp
Tại hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển ĐH, CĐ, ông Bùi Quang Thái cho biết năm trước, có trường hợp thí sinh đăng ký dự thi quên không đăng ký vào mục xét tốt nghiệp mà chỉ đăng ký xét tuyển ĐH. Chính vì vậy khi thi xong, điểm rất cao vẫn không được xét tốt nghiệp. Đây là một trong những sai sót đáng tiếc của thí sinh.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý thí sinh ở mục 18 của phiếu đăng ký dự thi. Đối với thí sinh dự thi có mục đích xét tuyển ĐH, CĐ cần ghi mã khu vực vào các ô trống như khu vực 1 điền chữ số 1, khu vực 2 nông thôn điền chữ 2NT... Có một điểm đặc biệt lưu ý thí sinh, đó là khu vực ưu tiên.
Để tránh những khiếu kiện sau này, Bộ GD&ĐT quy định: Trong 3 năm học THPT hoặc tương đương, thí sinh học ở đâu lâu hơn thì hưởng ưu tiên ở khu vực đó. Nếu mỗi năm một trường có mức ưu tiên khu vực khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp THPT ở đâu thì hưởng ưu tiên khu vực tại đó