Luyện thi THPT quốc gia giai đoạn ‘nước rút’ thế nào cho hiệu quả?
Thời điểm này, nhiều học sinh cuối cấp bày tỏ lo lắng, vướng mắc khi ôn thi THPT quốc gia, đặc biệt là cách ôn tập hiệu quả trong tháng cuối cùng, hay phương pháp làm bài thi tổ hợp môn và Toán trắc nghiệm. Dưới đây là những lời khuyên của các thầy cô giáo:

Môn Ngữ văn: Cần linh hoạt khi làm mỗi dạng câu hỏi

Theo Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, trong tháng cuối cùng, các em học sinh không còn thời gian để lan man dàn trải mà cần tập trung những vấn đề chính. “Về mặt kiến thức, các em cần ôn tập hệ thống hoá toàn bộ các tác phẩm văn học lớp 12 trong giới hạn ôn thi THPT quốc gia. Mỗi tác phẩm cần nắm chắc lại các mảng kiến thức khái quát về tác giả/tác phẩm; nắm vững các giá trị nội dung và nghệ thuật trên từng đơn vị kiến thức cụ thể của mỗi bài.

Về kĩ năng, các em cần rà soát lại kĩ năng viết đoạn, viết bài nghị luận văn học, phân biệt kĩ năng phân tích thơ với phân tích văn xuôi, kĩ năng thực hiện các kiểu bài nghị luận văn học cụ thể (phân tích/ cảm nhận/ so sánh/...)”.

TS. Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh, để làm tốt đề thi môn Ngữ văn, học sinh cần lưu ý yêu cầu và phương pháp làm bài với mỗi kiểu câu hỏi. Ví dụ với phần đọc hiểu, câu hỏi 1 thường là câu hỏi nhận biết, kiểm tra kiến thức tiếng Việt. Học sinh cần nhanh chóng xác định chính xác yêu cầu, trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi, không cần dẫn giải dài dòng nếu đề không yêu cầu giải thích. Câu hỏi số 2 và số 3 thường kiểm tra khả năng đọc - hiểu thông điệp nội dung hoặc giá trị nghệ thuật của một đơn vị ngôn từ nào đó trong ngữ liệu.

 Tùy thuộc vào yêu cầu của đề, các em cần kết hợp khả năng tư duy suy luận với những hiểu biết, kinh nghiệm vốn có để trả lời ngắn gọn, chính xác theo yêu cầu của đề hoặc giải thích ngắn gọn nếu đề bài yêu cầu. Câu hỏi vận dụng cuối phần đọc hiểu thường hướng tới yêu cầu tổng hợp, đánh giá toàn bộ ngữ liệu, rút ra thông điệp hoặc bài học cho bản thân. Ví dụ "Điều anh/chị tâm đắc nhất trong đoạn trích là gì?". Với kiểu câu hỏi này, học sinh nên thể hiện những suy ngẫm chân thành, sâu sắc được rút ra từ nội dung tổng quát của toàn bộ ngữ liệu.

 Cũng theo TS. Trịnh Thu Tuyết, thời gian hợp lí dành cho nghị luận văn học là khoảng 60-70 phút. Học sinh cần nhanh chóng xác định vấn đề nghị luận cơ bản theo yêu cầu của đề, phân tích hoặc trình bày cảm nhận về một nhân vật/ một đoạn thơ/ một đoạn văn xuôi... trên cơ sở những kiến thức đã được trang bị về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Môn Toán: Không thể sử dụng thủ thuật làm trắc nghiệm
ThS. Lê Anh Tuấn (Giảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Từ 3 đề thi minh họa, thử nghiệm, tham khảo, có thể nhấn mạnh rằng mặc dù năm nay đề Toán đươc tổ chức dưới hình thức trắc nghiệm nhưng các em sẽ không thể sử dụng thủ thuật hay mẹo mực. Máy tính Casio hay các mẹo giải nhanh chỉ phần nào đó hỗ trợ các em chọn đáp án nhanh hơn mà thôi”.

Theo thầy Lê Anh Tuấn, trong thời gian cuối cùng, học sinh nên tập trung ôn luyện lí thuyết, chăm chỉ rèn luyện đề thi, nghiên cứu kĩ và làm thuần thục các dạng bài được ra ở 3 đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó.

 Tổ hợp Khoa học tự nhiên: Không được coi thường lí thuyết

 Thầy Vũ Khắc Ngọc (Giáo viên môn Hóa) đưa ra lời khuyên: “Khi đi thi, lí thuyết sẽ quyết định điểm số của em cao hay thấp. Rất nhiều bạn học khá, vì lúc ôn tập chỉ chú trọng các phương pháp giải toán cao siêu nhưng khi đi thi lại mất điểm ở những câu lí thuyết.

 Khi vào phòng thi, thầy khuyên các em nên làm một lượt lí thuyết trước khi bắt tay vào làm bài tập. Bởi vì, so với thời gian để giải một bài tập thì các em không mất quá nhiều thời gian để tìm ra đáp án câu hỏi lí thuyết”.

Thầy Vũ Khắc Ngọc khuyên học sinh càng về thời gian cuối cùng, học sinh càng cần tập trung thời gian để hệ thống hóa lại kiến thức lí thuyết, làm thật nhiều đề thi lí thuyết, nghiên cứu kĩ đề thi thi minh họa, thử nghiệm, tham khảo để quen với các dạng lí thuyết có thể xuất hiện trong đề thi.

 Ngoài ra, thầy Vũ Khắc Ngọc còn lưu ý: “Vì đề thi sẽ tập trung vào chương trình học lớp 12 nên nhiều bạn có suy nghĩ sai lầm là loại bỏ tất cả kiến thức lớp 10, 11. Kiến thức Hóa học có tính hệ thống rất cao, ví dụ, dạng bài tập kim loại tác dụng với HNO3 là kiến thức thuộc về chương trình lớp 11. Tuy nhiên, vì có kim loại tác dụng với HNO3 nên vẫn có thể xuất hiện trong đề thi. Trong đề thi tham khảo Bộ GD-ĐT vừa mới công bố, có rất nhiều câu hỏi nếu không vận dụng dụng kiến thức lớp 10, 11 thì các em sẽ không thể làm được”.

 Đối với môn Sinh học, thầy giáo, ThS. Nguyễn Thành Công (Giáo viên THPT Chuyên Đại học Sư phạm) cho rằng: “Đề thi vốn đã rất dài cộng với việc là môn thi cuối cùng trong tổ hơp Khoa học tự nhiên nên áp lực khi làm bài thi môn Sinh học sẽ tăng lên. Tuy nhiên, từ đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT vừa mới công bố, chúng ta có thể thấy các em chỉ cần học tốt, nắm chắc SGK và SBT cơ bản lớp 12 là có thể làm tốt 30 câu hỏi đầu tiên. Lí thuyết trong 30 câu hỏi này nằm trọn vẹn trong SGK cơ bản 12. Làm tốt 30 câu hỏi này, các em đã có thể có 6, 7 điểm. So với thời lượng để hoàn thành một bài tập khó, đủ để các em làm tốt và chắc điểm số của vài câu lí thuyết rồi”.

 Rất nhiều thí sinh thắc mắc về việc phân bố đáp án A, B, C, D trong đề thi. Thầy giáo, ThS.Đinh Đức Hiền (Giáo viên dạy Sinh học) giải đáp: “Từ đề thi tham khảo, không có gì chắc chắn về việc đề thi THPT quốc gia sẽ sắp xếp đáp án A, B, C, D bằng nhau. Vì vậy, việc hi vọng để “lụi” đáp án là không có cơ sở, tất cả phải xuất phát từ nền tảng kiến thức”.

Theo Tienphong.vn