1. Một số điều chỉnh trong chế độ ưu tiên tuyển sinh
a) Đối tượng ưu tiên 01: bổ sung điều kiện có hộ khẩu thường trú tại xã KV1 trên 18 tháng;
b) Khu vực 2 (KV2): Các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).
c) Quy định hưởng chế độ ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú: Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã đặc biệt khó khăn nếu học THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã (Thành phố trực thuộc tỉnh) có ít nhất một trong các xã đặc biệt khó khăn. Những điều chỉnh này đã được cập nhật trong cơ sở dữ liệu thi THPT quốc gia và Bộ GDĐT đã chuyển toàn bộ dữ liệu về chế độ ưu tiên cho các sở, các trường (trong đó cung cấp đầy đủ danh sách xã đặc biệt khó khăn và xã KV1). Tuy nhiên thí sinh cần nắm vững vấn đề này để tự xác định chế độ ưu tiên cho mình và cung cấp đầy đủ minh chứng cho trường ĐH, CĐ khi nhập học; cán bộ làm việc tại các điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển trực tuyến cần nắm vững vấn đề này để tư vấn cho thí sinh; các trường ĐH, CĐ phải nắm vững các thay đổi này để rà soát hồ sơ nhập học của thí sinh cũng như rà soát minh chứng khi thí sinh có nguyện vọng điều chỉnh chế độ ưu tiên trong tuyển sinh.
2. Thay đổi quy định trong xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia
a) Sau khi có kết quả thi, thí sinh được trường ĐH chủ trì cụm thi cấp 01 Giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh không sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) mà chỉ nộp vào trường nhập học. Trường hợp thí sinh bị mất Giấy chứng nhận kết quả thi, cần liên hệ với Trường đại học chủ trì cụm thi làm đơn xin trường xác nhận. Trường sẽ cấp cho thí sinh 01 Giấy chứng nhận kết quả thi "được cấp lại" (có dấu đỏ của trường và được ghi là "bản cấp lại"). Khi được cấp giấy này, bản chính sẽ không còn giá trị và hệ thốngquản lý dữ liệu tuyển sinh Quốc gia sẽ thông báo cho trường thí sinh đăng ký xét tuyển để trường biết và chỉ nhận Giấy chứng nhận kết quả thi được cấp lại.
b) Để đăng ký xét tuyển thí sinh điền thông tin vào phiếu ĐKXT và nộp cho trường qua đường bưu điện, trực tuyến hoặc phương thức khác do trường quy định;
c) Đợt 1, thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2; các đợt bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa 3 trường mỗi trường tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2.
Điều quan trọng mà thí sinh cần lưu ý là: trong mỗi đợt xét tuyển thí sinh không được thay đổi nguyện vọng.
d) Thời gian của mỗi đợt xét tuyển ngắn hơn so với 2015: đợt 1 kéo dài 12 ngày, đợt bổ sung kéo dài 10 ngày;
đ) Ở mỗi đợt xét tuyển, chậm nhất 02 ngày sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển (nếu nộp bằng đường Bưu điện, thời gian được xác định theo dấu Bưu điện), thí sinh phải xác nhận việc học tại trường bằng cách nộp cho trường bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi, coi như không có nguyện vọng học và sẽ không được gọi nhập học. Thí sinh cần lưu ý: kể cả thí sinh chỉ trúng tuyển 1 trường cũng phải xác nhận việc nhập học tại trường.
3. Điều chỉnh quy định làm tròn điểm thi và điểm xét tuyển
Sự khác nhau về quy định làm tròn điểm thi và điểm xét tuyển được so sánh trong bảng sau:
Năm 2015 | Năm 2016 |
- Điểm các môn tự luận: tính đến 0,25; - Điểm các môn trắc nghiệm: làm tròn đến 0,25; - Điểm môn ngoại ngữ: làm tròn đến 0,25; - Điểm xét tuyển: không làm tròn. |
- Điểm các môn tự luận: tính đến 0,25; - Điểm các môn trắc nghiệm: làm tròn đến hai chữ số thập phân; - Điểm môn ngoại ngữ: làm tròn đến hai chữ số thập phân; - Điểm xét tuyển: làm tròn đến 0,25 |
Nguồn: Tài liệu tập huấn công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016 - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD & ĐT.