Ôn thi THPT quốc gia 2019: Bám sát đề tham khảo để làm quen
Thời điểm này, các địa phương đã triển khai công tác dạy học, ôn tập thi THPT quốc gia năm 2019 đến từng trường. Theo ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), mức độ khó - dễ trong đề thi thật THPT quốc gia 2019 về căn bản sẽ như tinh thần đề tham khảo mà Bộ đã công bố.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Bám sát bộ đề thi tham khảo

Sau khi Bộ GDĐT công bố đề thi tham khảo có độ khó giảm rõ rệt so với kỳ thi năm 2018, nhiều người băn khoăn về độ khó - dễ của đề thi thật. Mới đây trong chương trình tư vấn mùa thi năm 2019 do Bộ GDĐT phối hợp tổ chức, ông Mai Văn Trinh đã giải đáp cụ thể vấn đề này. Theo đó, đề thi tham khảo mà Bộ đã công bố có giá trị tham khảo rất tốt cho định hướng dạy học và ôn tập của học sinh. Vì vậy, học sinh cứ bám theo đề tham khảo để ôn tập.

Như vậy, mức độ phân hóa của đề thi thật sẽ tương đương đề thi tham khảo đã công bố. Lo lắng đề thi thật sẽ tăng độ khó khiến học sinh “trở tay không kịp” sẽ không xảy ra.

Bên cạnh đó, ông Trinh cũng nhấn mạnh nội dung thi nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu là kiến thức lớp 12. Đề thi sẽ đảm bảo số lượng câu hỏi đủ lớn phục vụ xét tốt nghiệp, sau đó là một số câu hỏi có tính chất phân hóa dần phục vụ cho tuyển sinh.

Một điều chỉnh rất quan trọng các trường cần lưu ý đó là năm nay sẽ tăng tỉ lệ kết quả thi từ 50% (năm trước) lên 70%, còn 30% là điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Vì vậy, các thí sinh cần lưu ý học đều các môn chứ không chỉ học để chống điểm liệt như năm 2018 là có thể đỗ tốt nghiệp nhờ điểm học bạ lớp 12 “cứu cho”.

Chính vì vậy, nhiều trường cho biết kế hoạch giảng dạy đã có sự thay đổi. Chẳng hạn với các lớp không thi ĐH môn nào, trường đã tăng cường thêm một số tiết dạy môn đó để học sinh có thời gian luyện tập nhiều hơn, đảm bảo trước hết việc đỗ tốt nghiệp, sau đó mới là kết quả thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Cô Nguyễn Thu Huyền, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Kim Bảng (Hà Nam) cho biết, hiện nay nhà trường vẫn tổ chức vừa học vừa ôn tập các kiến thức đã học. Sau tháng 3, trường sẽ có kế hoạch tập trung ôn kiến thức lớp 12 dưới dạng các chuyên đề để học sinh ghi nhớ có hệ thống hơn.

Thi thử để làm quen

Thông tin từ Sở GDĐT Bắc Giang cho biết, sẽ tổ chức 2 kỳ thi thử THPT quốc gia năm 2019, giúp cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh làm quen, điều chỉnh trong việc tổ chức, chỉ đạo, dạy, ôn thi và tổ chức kỳ thi. Dự kiến tổ chức thi thử lần thứ nhất vào các ngày 29, 30/3, lần thứ hai vào các ngày 17, 18/5. Các đơn vị sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm sau mỗi đợt thi; căn cứ kết quả của học sinh, điều chỉnh kế hoạch và nội dung ôn luyện cho phù hợp với các đối tượng học sinh.

Trước đó, Sở đã yêu cầu các đơn vị tổ chức tổng hợp đăng ký các môn, tổ hợp môn thi của học sinh và kết hợp việc kiểm tra khảo sát của giáo viên bộ môn để phân loại đối tượng học sinh thi lấy kết quả xét tốt nghiệp và thi lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ; động viên khích lệ, tạo điều kiện cho học sinh ôn tập đạt kết quả tốt nhất. Sở cũng chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn thực hiện các buổi sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cấp cụm huyện, thành phố; ưu tiên tập trung cho những nội dung ôn thi THPT quốc gia như: Trao đổi phương pháp dạy; phương pháp, kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm khách quan; nội dung, mức độ kiến thức của các khối lớp; các biện pháp khắc phục điểm liệt cho học sinh... Phát huy tối đa vai trò, năng lực của đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên giỏi chuyên môn trong việc bồi dưỡng giáo viên và trực tiếp giảng dạy cho học sinh (ở những đơn vị có nhu cầu và đề xuất). Giáo viên được phân công ôn luyện cho học sinh lớp 12 cần nghiên cứu, vận dụng dạy học bám sát đề thi tham khảo của Bộ GDĐT, các đề ôn luyện của Sở GDĐT trong quá trình ôn luyện.

Về phía nhà trường, ông Nguyễn Văn Thành- Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann (quận 1, TP HCM cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, nhà trường đã định hướng cho học sinh chọn lựa các tổ hợp thi và phân bố giáo viên phù hợp. Đến lớp 12, học sinh sẽ được tăng cường ôn tập các bộ môn đã chọn lựa trước đó. Về việc thi thử, nhà trường dự kiến sang tháng 5 khi kết thúc chương trình mới tổ chức thi thử theo từng môn. Khi đó học sinh chuyên tâm, còn giáo viên cũng có thời gian đánh giá những gì chưa được để có sự điều chỉnh.

Cũng chung quan điểm này, nhiều trường cho biết sẽ tổ chức thi thử khi đã kết thúc chương trình học để các em được cọ xát, nắm bắt cách làm bài. Ông Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội lưu ý, thi thử chỉ hữu ích khi đáp ứng hai yếu tố. Thứ nhất là người ra đề phải bám sát với ma trận đề của Bộ. Thứ hai, thời điểm thi thử phải hợp lý. Có như vậy mới giúp học sinh làm quen với kỳ thi THPT quốc gia một cách phù hợp.     

Theo Thu Hương

Đại Đoàn Kết