PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội - đơn vị chủ trì nhóm tuyển sinh chung các trường đại học phía bắc 2017 trao đổi chung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, ông có nhận xét gì về những thay đổi trong cách thức cho thí sinh đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào đại học năm nay?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Cải tiến năm nay về đăng ký tuyển sinh là cho các em đăng ký nguyện vọng trước, từ tháng 4 khi đang học, rồi nộp hồ sơ đăng ký ở trường phổ thông. Sau đó, nếu cần, các em có thể điều chỉnh trên máy ở nhà, ở trường. Đối với các trường, công việc nhẹ nhàng hơn, không phải túc trực để tiếp nhận hồ sơ đăng ký, còn học sinh thì không phải đi lại. Năm nay, khâu đăng ký tuyển sinh đã được làm rất tốt.
Cải tiến tiếp theo là việc cho các em đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên và không hạn chế số lượng. Quan trọng nhất là xét theo thứ tự ưu tiên. Cách này đã khắc phục những nhược điểm của những năm trước. Như năm 2015 không "ảo" nhưng thí sinh phải đi lại, rút ra nộp vào gây ra tình trạng hỗn loạn, năm 2016 thì bị "ảo" và như vậy đối với số đông thí sinh thì không có lợi.
Năm nay, nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh sẽ hầu như không có nữa. Kể cả sau khi có điểm thì việc điều chỉnh nguyện vọng sẽ rất ít. Với một phiếu đăng ký duy nhất có tất cả nguyện vọng trong đó, các em không cần thay đổi bởi các em sẽ được xét theo thứ tự yêu thích thể hiện trên đăng ký đó. Còn lại chỉ phụ thuộc vào kết quả thi của các em nữa thôi. Việc xét các nguyện vọng sẽ theo thứ tự xuống dưới. Sau khi biết điểm các em vẫn được điều chỉnh nhưng thực ra không cần thiết. Các em chỉ điều chỉnh khi thấy ý thích, nhận thức về những ngành theo học của mình thay đổi. Đó là điểm rất tiến bộ.
- Thí sinh năm nay chỉ có thể trúng tuyển vào một trường, từ lợi ích của thí sinh, ông thấy điều này có thỏa đáng?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Chúng ta phải quan tâm đến quyền lợi của đa số thí sinh. Khi để một thí sinh đăng ký vào hai trường, mà anh không chốt trường nào mới xảy ra "ảo", dẫn đến trường thì không đủ chỉ tiêu trong khi nhiều thí sinh không trúng tuyển, một số em điểm cao vẫn không đỗ, thực ra là trượt “oan”. Do vậy, đến tháng 7 có điểm là thí sinh phải chốt nguyện vọng, chứ không phải để các trường xét tuyển xong mới chốt.
Cách làm mới rất khoa học khi bảo đảm sự công bằng cho tất cả thí sinh. Các em có thể đăng ký nguyện vọng thoải mái theo thứ tự yêu thích, rồi điểm đến đâu lấy đến đó, thế thì đến lúc là phải chốt thôi.
- Ta giải quyết được mọi bài toán về việc thí sinh không phải đi lại, bảo đảm sự công bằng, bảo đảm cơ hội trúng tuyển...cho các thí sinh, vậy có còn điều gì cần quan tâm trong tuyển sinh năm nay, thưa ông?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Phần khó được cho phần kỹ thuật để xét tuyển. Chúng ta có phần mềm xét tuyển sử dụng thuật toán, đã từng được áp dụng, thì vấn đề kỹ thuật thực sự ở chỗ nếu như một trường đứng ra xét tuyển thì sẽ lại gặp bài toán "ảo" giống năm ngoái.
Bởi năm ngoái cho bốn nguyện vọng vào hai trường, có nghĩa không thể chắc chắn được thí sinh đăng ký có vào trường mình không. Năm ngoái, các trường thường phải lấy 130% trúng tuyển nhưng rồi có trường đến cuối tuyển được 90%, cũng có trường thì con số khác.
Năm nay nếu xét tuyển thế không thể dự đoán được lấy mức trúng tuyển như thế nào. Vì câu chuyện rất khó dự đoán chính xác nên Bộ GD-ĐT hỗ trợ bằng cách giúp lọc đi để không thể có hai thí sinh trúng tuyển cùng lúc. Một trường có vào nhóm hay không vào nhóm thì thí sinh đăng ký cũng chỉ trúng tuyển vào một trường thôi, hoặc không trúng tuyển.
- Vậy đã có phần mềm lọc ảo của Bộ (GD-ĐT) thì tại sao phải có nhóm xét tuyển chung?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Cách thực hiện xét tuyển sẽ như sau: Một trường đưa dự báo danh sách trúng tuyển đưa lên. Bộ sẽ giúp gạt bỏ các nguyện vọng trùng. Sau đó các trường đưa lên điểm chuẩn lần 2, Bộ tiếp tục lọc để trường điều chỉnh, một trường điều chỉnh thì các trường khác cũng điều chỉnh.
Vấn đề là bao giờ hội tụ? Bởi Bộ chỉ cho 2 lần điều chỉnh, không chính xác nữa thì thôi. Chúng ta có khoảng 300 trường, mỗi trường khoảng 20 mã ngành...Mấy nghìn ẩn số đó thay đổi để ra được điểm hội tụ, nhưng nó không hội tụ thì sao?
Bây giờ sinh ra nhóm để làm gì? Về nguyên tắc nếu như các trường trong cả nước là một nhóm thì giống như bây giờ một trường có vài nghìn mã ngành và phần mềm hoàn toàn có thể chạy luôn được để xét tuyển em này trúng tuyển nguyện vọng 1, 2, 3...,và không phải lọc gì nữa. Đó là trường hợp cả nước là nhóm lớn và chạy phần mềm xét tuyển chung cho cả nước.
Nhưng vấn đề thứ nhất là nếu Bộ chạy một phần mềm chung thì các trường mất quyền tự chủ. Các trường đưa ra chỉ tiêu rồi là về sau muốn điều chỉnh gì thì rất khó. Thứ hai là khi chạy cùng lúc cho cả mấy trăm trường, nếu có rủi ro gì trong mã này mã khác thì ảnh hưởng đến tất cả các trường, toàn hệ thống. Nhưng cái chính vẫn là các trường thấy mất tự chủ.
- Năm nay sẽ có hai nhóm xét tuyển chung là nhóm các trường phía nam và nhóm các trường phía bắc, ông có thể cho biết cách thức hai nhóm này dự kiến thực hiện?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Cách làm thứ nhất là như nhóm miền nam, sử dụng phương pháp tiền lọc ảo. Cũng là lọc ảo, nhưng tham gia nhóm để lọc ảo trước, lọc trong nhóm nội bộ.
Hiện theo dự thảo quy chế của nhóm miền Nam gồm khoảng 80 trường. Các trường xét tuyển độc lập bình thường, nhưng trước khi đưa lên Bộ thì chạy phần mềm xét tuyển các trường trong nhóm với nhau, có thể chạy vài tiếng một lần để cuối cùng số thí sinh trúng tuyển đưa lên Bộ sẽ không có ảo trong nhóm nữa. Tức là một thí sinh chỉ có danh sách trúng tuyển ở một trường vào một ngành trong nhóm. Rất có thể thí sinh đó trúng tuyền vào một trường ngoài nhóm nữa, nhưng hiện nay với nhóm miền bắc, miền nam thì tỷ lệ đó ít.
Trường nào mà điểm chuẩn cuối cùng bằng điểm sàn (hoặc số nguyện vọng đăng ký vào mà anh thấy thấp hơn chỉ tiêu rồi) thì trường đó không cần tham gia vào nhóm. Trường nào có khả năng có một vài ngành có khả năng điểm chuẩn cao hơn điểm sàn, thì mới nên tham gia vào nhóm. Ngoài nhóm thì thường sẽ là những trường có điểm chuẩn rất thấp và sẽ không ảnh hưởng gì. Như vậy số lượng ảo rất ít, số liệu dễ hội tụ hơn, Bộ làm khâu cuối cùng thôi. Với cách này phải chạy nhiều lần, phải xét tuyển và điều chỉnh nhiều lần.
Còn nhóm GX năm ngoái, năm nay chúng tôi phát triển ra khác một chút. Năm ngoái là các em phải đăng ký từ đầu vào nhóm GX. Năm nay linh hoạt và đơn giản hơn nhiều và cũng tôn trọng quyền tự chủ của các trường rất nhiều.
Nhóm miền bắc năm nay hiện đang là hơn 40 trường, tôi nghĩ cuối cùng sẽ khoảng trên dưới 50 trường. Nguyên tắc của nhóm này như sau: Tất cả những đăng ký của thí sinh sẽ giữ nguyên không thay đổi. Những gì một trường công bố với thí sinh là giữ nguyên, ví dụ như mã ngành... Thứ hai là các trường không bị mất tự chủ, điều chỉnh điểm chuẩn thế nào do anh hoàn toàn quyết định.
Chỉ có điều nhóm sẽ hỗ trợ một phần mềm chung. Phần mềm chung sẽ là phần mềm phân tán, chạy chia sẻ. Năm ngoái là tập trung chạy một chỗ trên một máy ở đây (Trường đại học Bách khoa Hà Nội). 12 trường đến họp rồi các trường điều chỉnh. Năm ngoái chạy ba vòng là chốt.
Năm nay phần mềm linh hoạt hơn. Các trường không cần phải đến, tất cả qua mạng, phần mềm sẽ kết nối với nhau thông qua một máy chủ.
Phần mềm sẽ tạo ra các số liệu thống kê, dự báo. Phần mềm sẽ thống kê có bao nhiêu thí sinh đăng ký các nguyện vọng và sẽ đưa ra dự báo là với số liệu thống kê đó, để các trường đủ chỉ tiêu thì sẽ phải lấy bao nhiêu điểm. Trong đó đưa ra số lượng có thể có những em nguyện vọng ngoài nhóm, số lượng trùng trong nhóm… Các trường sẽ đưa ra điều chỉnh hoặc là giảm chỉ tiêu xuống, hoặc tăng điểm chuẩn lên. Mỗi trường tự điều chỉnh. Có trường thấy điểm năm ngoái thấp quá, tôi phải điều chỉnh lên...đều do trường quyết định. Phần mềm máy chủ sẽ điều chỉnh theo số liệu các trường cập nhật thay đổi, vài tiếng một lần, trong vòng vài ngày, và trường hoàn toàn có thể điều chỉnh thoải mái.
Trước khi đưa lên Bộ các trường sẽ có vài ngày để lọc trong nhóm như vậy. Hệ thống sẽ như chuyên gia hỗ trợ, bảo đảm nguyên tắc thí sinh đã trúng tuyển một trường thì không trúng tuyển trường khác nữa, còn các trường tự quyết định theo yêu cầu của mình.
Đến khi lên Bộ, sẽ lọc tiếp để không dính vào trường khác, nhưng lọc đó thì ít thôi. Lúc này các trường vẫn có thể chỉnh sửa. Đến cuối sẽ bảo đảm các trường gần sát với chỉ tiêu của mình.
- Như vậy, có thể dự tính "ảo" năm nay sẽ được giới hạn đến độ như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Hạn chế được bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào số trường trong nhóm. Nếu nhóm ngoài bắc khoảng 50 trường thì tôi nghĩ số ảo sẽ còn rất ít.
Càng nhiều trường tham gia nhóm thì ảo càng ít đi. Năm nay như tôi thấy khoảng 50 trường mà các trường top trên, top giữa đều ở đấy rồi thì tôi nghĩ rằng tỷ lệ ảo sẽ còn rất ít.
- Việc xét tuyển chung theo nhóm như vậy có gây ảnh hưởng gì đến quyền lợi của thí sinh không?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Việc xét tuyển chung có thể khẳng định không ảnh hưởng gì đến thí sinh, đây là việc thuần túy kỹ thuật của các trường. Thay đổi nếu có, là tạo điều kiện tốt hơn cho các thí sinh nói chung, có nghĩa khi các trường tuyển tốt hơn thì các thí sinh có thể trúng tuyển tốt hơn. Không vì chuyện nhóm này mà thí sinh bị ảnh hưởng hay phải thay đổi bất cứ điều gì.
- Các trường muốn tham gia vào nhóm tuyển sinh chung có cần điều kiện gì không, thưa ông?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Không, chỉ theo đúng quy chế thôi, có phiếu xác nhận tham gia, và phương thức tuyển sinh phải dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Nếu sử dụng các tiêu chí phụ để xét tuyển thì phải lượng hóa được để đưa vào cộng điểm.
- Đến thời điểm này các em đã hoàn tất việc đăng ký, nhưng sau khi có kết quả, các em vẫn có thể thay đổi nguyện vọng. Các em có nên tham khảo vào điểm trúng tuyển năm ngoái để xác định nguyện vọng của mình? Ông có lời khuyên nào cho thí sinh không?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Thí sinh đăng ký cần căn cứ vào sở thích của mình. Chỉ khi nào em thấy với 4,5 nguyện vọng của mình mà khả năng trúng tuyển chưa cao thì mới bổ sung thêm một vài nguyện vọng, còn cứ sắp xếp theo cái mình thích. Thực ra, sắp xếp nguyện vọng rất dễ, cứ theo ý thích của bản thân thôi.
Năm ngoái, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, ngành điểm chuẩn cao nhất là CNTT thì lại ảo nhất. Bởi những ngành điểm cao cũng phải chía sẻ thí sinh với những ngành lấy điểm cũng rất cao khác.
Xin cảm ơn ông!
theo: baomoi.con