Tính ưu việt trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2017
Kế thừa những điểm tích cực đồng thời khắc phục những hạn chế trong quy chế tuyển sinh đại học chính quy năm 2016, Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 1 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy và quy chế tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy đã làm toát lên tính ưu việt thể hiện ở sự minh bạch, khoa học trong xét tuyển đại học và có ý nghĩa không nhỏ cả về góc độ kinh tế, chi phí lợi ích.

Có thể nói, Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017 có tính “mở”, “linh hoạt” cho các trường đại học nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tất cả các trường đại học phải tiến hành xây dựng và công khai đề án tuyển sinh của mình trên cơ sở những định hướng và hướng dẫn về mặt kỹ thuật của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo nội dung của Quy chế thì tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm dành cho các trường đại học được tăng cường một cách mạnh mẽ. Đặc biệt là người đứng đầu (hiệu trưởng) đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các yếu tố đảm bảo chất lượng, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, giải trình về cơ sở xây dựng đề án cũng như chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước xã hội về những thông tin trong đề án.

Bên cạnh đó, trong Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017 cũng đã “mở” và “dự lệnh” cho các trường đại học trong việc cam kết các thông tin về chi phí đào tạo trên mỗi sinh viên, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng có được việc làm phù hợp theo ngành đào tạo kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất, bỏ điểm sàn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2018.

Vì vậy, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học vừa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh của trường trong năm 2017 đồng thời vừa có thời gian để hoạch định chiến lược tuyển sinh trong các năm tiếp theo. Đây là một trong những điểm nhấn của Quy chế được áp dụng theo tinh thần Nghị Quyết 29 của Đảng về Giáo dục và Đào tạo.

Một trong những điểm mới theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017 là thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng cũng như số trường của mình khi đăng ký vào các trường đại học, miễn là khối thi và môn thi phù hợp với yêu cầu đặt ra của trường. Điều này mở ra cơ hội lựa chọn ngành và trường yêu thích cũng như cơ hội trúng tuyển đại học cho thí sinh đồng thời đã khắc phục được tồn tại của quy chế năm 2016 đã làm cho khá nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn bị “trượt” đại học. Tuy vậy, tính “mở” và “thắt” trong quy chế được thể hiện rất rõ.

Mặc dù thí sinh được đăng ký không hạn chế số lượng ngành và trường dự tuyển nhưng thí sinh chỉ có thể đỗ vào một trường duy nhất phù hợp với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đăng ký của mình. Khi hệ thống phần mềm tuyển sinh 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định được trúng tuyển nguyện vọng này của thí sinh thì ngay lập tức những nguyện vọng còn lại sẽ bị xóa. Điểm mới này sẽ giúp các trường đại học có thể dự đoán tương đối chính xác tỉ lệ nhập học của các thí sinh trúng tuyển.

Những trường đại học áp dụng phương án dùng kết quả kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 để làm căn cứ xét tuyển sẽ có nền tảng, cơ sở khoa học và thực tiễn để đưa ra điểm chuẩn phù hợp cho từng ngành thuộc trường.

Xã hội dễ dàng nhận thấy sự công bằng trong cơ hội xét tuyển của các thí sinh cũng được đề cập đến trong quy chế này khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký cùng ngành, không phân biệt thứ tự nguyện vọng của các thí sinh đăng ký trong cùng ngành đang xét.

Bên cạnh đó, điểm mới này không những làm cho các trường đại học (kể cả những trường tạm gọi thuộc top dưới) tuyển được sinh viên mà còn giúp cho dư luận xã hội có cái nhìn tích cực hơn về sự khoa học, logic trong tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tránh hiện tượng “ảo” về thí sinh.

Việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo hướng xét tuyển 3 môn thi/bài thi trong đó có ít nhất một trong hai môn thi độc lập là Toán hoặc Ngữ văn là một điểm nhấn khá tích cực được quy định trong Quy chế này. Ngoài ra, các trường đại học cũng có thể chủ động quy định nhân hệ số điểm môn thi hoặc bài thi trong xét tuyển.

Dư luận xã hội đánh giá cao sự tích hợp của hai kỳ thi này, đặc biệt là phương án tổ hợp môn thi hoặc bài thi. Nó giúp các trường không những chủ động trong việc xây dựng khối thi xét tuyển mới ngoài những khối thi truyền thống mà còn có thể có cơ hội lựa chọn được những thí sinh có kiến thức hài hòa, đồng đều về tự nhiên và xã hội.

Khác biệt rõ mang tính tiến bộ trong quy chế tuyển sinh đại học chính quy năm 2017 so với năm 2016 là thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ngay khi nộp hồ sơ. Nó sẽ giúp thí sinh định hướng ngay ngành nghề từ đầu cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo bước đầu có được các con số về định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Việc điều chỉnh nguyện vọng ngành xét tuyển vẫn được phép khi thí sinh biết kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của mình và có thể thực hiện theo phương thức trực tuyến (không phải gửi hồ sơ qua bưu điện hay phải đến nộp tại trường đăng ký xét tuyển) với tài khoản và mã số đã được cung cấp trước cho mỗi thí sinh.

Bên cạnh đó, các điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức ở các trường trung học phổ thông hoặc các cụm trường, liên trường được phối hợp chặt chẽ với các trường đại học sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho thí sinh. Xét về chi phí lợi ích trong giáo dục ở góc độ người học, đây là một quy định tích cực cho người học và gia đình người học như giảm thiểu được thời gian di chuyển, tiết kiệm được kinh tế cho xã hội, cho người dân hàng chục tỉ đồng và thực sự rất an toàn về mặt thông tin trong tuyển sinh.

Quyền tự chủ của các trường đại học cũng được đề cập khi trường có quyền từ chối tiếp nhận nhập học hay buộc thôi học khi thí sinh không xác nhận và nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin đăng ký xét tuyển với dữ liệu đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.

Quy chế cũng quy định tới việc điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn, ưu việt hơn về đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vừa đảm bảo được chính sách khu vực, vùng miền lại vừa đảm bảo được chất lượng đầu vào của thí sinh cho các trường đại học.

Theo đó, các trường đại học đóng trên địa bàn các khu vực này có quyền xét tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi của tổng điểm 3 bài thi/môn thi dùng để xét tuyển) thấp hơn điểm sàn của Bộ Giáo dục quy định 1 điểm và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức.

Đây là một trong những cơ chế mở cho các trường đại học đóng trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, giúp các trường không còn phải đối mặt với nỗi lo “khát” thí sinh như năm 2015 và 2016.

Tuy vậy, thách thức đặt ra với Bộ Giáo dục và Đào tạo khi triển khai quy chế tuyển sinh đại học năm 2017 là không nhỏ.Việc kiểm soát thông tin được công bố trong đề án tuyển sinh của các trưởng đại học cần thiết phải đặt ra và được giám sát chặt chẽ, quy định trách nhiệm cho người đứng đầu (Hiệu trưởng).

Hệ thống phần mềm tuyển sinh phải được tính toán hết tất cả các phương án tối ưu, loại trừ được những lỗ hổng có thể có làm sai lệch kết quả xét tuyển. Công tác ra đề thi, tổ chức thi tốt nghiệp cũng cần được kiểm soát và tập huấn hết sức kỹ càng. Xã hội đang mong chờ một kỳ tuyển sinh đại học nghiêm túc, an toàn, thực chất và đầy tính hiệu quả.

theo: giaoducthoidai.vn